Tuyến xe khách Thái Nguyên – Hà Nội được nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở trong, ngoài tỉnh cùng tham gia khai thác. Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa “xe dù” với xe tuyến của những doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định hiện đang diễn ra ngày một trầm trọng…
Chị Nguyễn Minh Thuý, tổ 15, phường Đồng Quang có dịp đi xe khách từ Thái Nguyên về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) ngày 6-9-2010 bức xúc: “Tôi thấy một xe khách cùng chiều liên tục chèn ép xe khách tôi đang đi trên quãng đường dài và hậu quả là đã xảy ra tai nạn nên sau vụ đó tôi chuyển sang đi tàu mỗi lần có việc phải về Hà Nội”. Quá bất bình khi tình trạng tranh giành khách ngày một căng thẳng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Thái Nguyên – Hà Nội như: Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, Doanh nghiệp Hạnh Bưởi, Công ty Cổ phần Thương mại - Vận tải và Du lịch Khánh Thịnh… đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị xử lý vấn nạn nêu trên.
Qua phản ánh của các doanh nghiệp, hiện có gần chục xe ôtô khách tham gia kinh doanh vận tải hành khách có đăng ký tuyến nhưng không mấy khi vào bến xếp khách, không có dấu xác nhận bến đi - bến đến theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải; một số xe ô tô khách khác không đăng ký luồng tuyến nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mà chưa bị xử lý. Ngoài chuyện phóng nhanh, vượt ẩu để giành khách, tình trạng gây hấn dẫn đến ẩu đả giữa lái xe, lơ xe khách tuyến Thái Nguyên – Hà Nội cũng đã xảy ra.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xe khách Tân Đạt phản ánh: Ngày 7-3-2010, một số lái xe khách của đơn vị khi cho xe vào Bến xe Thái Nguyên đã bị một nhóm đối tượng khoảng 10 người (đang tham gia kinh doanh hành khác tuyến Thái Nguyên - Hà Nội) kéo đến đánh lái xe và người bán vé của xe. Ngày 29-9-2010, lái xe, phụ xe ô tô khách biển kiểm soát 29V – 4018 cũng bị 4 đối tượng đến đe doạ, đập vỡ kính xe rồi bỏ chạy; ngày 30-9-2010 lái xe khách biển kiểm soát 29V – 3863 đi đến đường qua xã Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cũng bị một số đối tượng hành hung… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan bức xúc nói về một số thủ đoạn chèn ép của xe dù như: Khi xe dù chạy, một số người được phân công bám dọc đường, không cho các xe tuyến vượt qua. Nếu xe tuyến nào đón khách tại cổng bến và vượt xe dù sẽ bị chèn, ép xe, bị chửi bới, đe dọa. Nếu tiếp tục vượt thì sẽ bị chặn xe, đánh ngay trên đường hoặc khi về tới đầu bến sẽ có một nhóm chờ sẵn .
Đại diện phía cơ quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải hành khách tuyến Thái Nguyên – Hà Nội cũng khẳng định có tình trạng một số xe dù hoạt động không đúng quy định của pháp luật, kinh doanh thiếu lành mạnh nên đã gây ra các vụ việc bức xúc vừa qua. Đồng chí Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Bình quân mỗi ngày có 68 chuyến xe khách hoạt động tuyến Thái Nguyên – Hà Nội nên về cung, cầu trong ngày lễ, tết là phù hợp, còn ngày thường thì số ghế xe khách nhiều hơn so với nhu cầu đi lại của người dân nên xảy ra tình trạng tranh giành khách. Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện có 8 xe dù hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Thái Nguyên – Hà Nội thường xuyên không vào bến đón, trả khách nên sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý. Để lập lại trật tự trong kinh doanh vận tải hành khách, trong năm 2010, Sở Giao thông - Vận tải đã không cấp phép mới cho xe khách vào Bến xe Thái Nguyên mà khuyến khích các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này thực hiện xuất bến tại bến xe các huyện để giảm tải tại khu vực T.P Thái Nguyên”.
Tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến Thái Nguyên – Hà Nội cần sớm lập lại trật tự để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Đặc biệt là việc “hành xử” theo kiểu “xã hội đen” trong hoạt động kinh doanh hành khách tuyến Thái Nguyên - Hà Nội cần ngăn chặn kịp thời trước khi những đối tượng côn đồ này gây ra những vụ việc mất an ninh trật tự.