An toàn luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu đối với người ngồi trên môtô. Bằng lái xe, mũ bảo hiểm, không lái xe sau khi uống rượu bia... là những yêu cầu để bạn có thể tham gia giao thông một cách an toàn.
Với số lượng xe gắn máy, môtô đang tăng với tốc độ nhanh hiện nay, mỗi người tự bảo vệ mình khi tham gia lưu thông, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
Bằng lái xe và hướng dẫn sử dụng xe
Khi điều khiển xe gắn máy, môtô trên 50 phân khối, bắt buộc người điều khiển phải có bằng lái xe. Đối với phương tiện là xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 175 phân khối, bằng lái xe mà người điều khiển bắt buộc phải có là hạng A1. Với môtô có dụng tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên, bằng lái xe bắt buộc là hạng A2.
Giấy phép lái xe ô tô các hạng không thay thế cho hai loại bằng lái xe gắn máy và môtô trên. Việc học và thi bằng lái xe hạng A1, A2 sẽ trang bị đầy đủ kiến thức an toàn khi lưu thông như quy định của biển báo, vạch kẻ đường, quy tắc khi lưu thông trên đường.
Mỗi chiếc xe gắn máy, môtô đều có cuốn hướng dẫn sử dụng kèm theo, bao gồm cả quy trình và thời gian bảo dưỡng phương tiện. Người sử dụng cần đọc kỹ và hiểu rõ về chiếc xe mình sử dụng để có thể vận hành chiếc xe một cách an toàn, bảo vệ chính bạn và phương tiện lưu thông của bạn.
Đội mũ bảo hiểm
Luôn luôn đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn và đúng quy cách. Bạn cần chọn loại mũ bảo hiểm phù hợp với mình và điều kiện lưu thông để đảm bảo an toàn. Mũ vừa đầu, với dây khóa an toàn được xiết đủ chặt.
Mũ bảo hiểm kín đầu và có bảo vệ cằm (full-face) phù hợp khi lưu thông trên xa lộ, với tốc độ tối đa cho phép. Loại mũ này với kính chắn gió sẽ bảo vệ tối đa phần đầu của bạn. Các loại mũ bảo hiểm nửa đầu, mũ bảo hiểm thời trang nên sử dụng khi lưu thông trong đô thị với tốc độ tối đa cho phép đến 40km/h. Không sử dụng mũ bảo hiểm xe đạp khi lưu thông bằng xe gắn máy, môtô. Tránh sử dụng mũ bảo hiểm nhỏ hơn đầu hoặc quá rộng.
Mang quần áo bảo vệ
Đối với người sử dụng xe môtô phân khối lớn, mặc (mang) quần áo bảo vệ sẽ an toàn hơn, đặc biệt trong trường hợp bạn bị trượt ngã. Mang găng tay đảm bảo đủ độ mềm để dễ dàng điều khiển, nhưng cũng đủ độ dày và lỗ thông gió để đảm bảo an toàn.
Chọn loại giầy phù hợp, vừa với đôi chân của bạn. Ngoài việc bảo vệ đôi chân bạn trong trường hợp bị va quyệt, đôi giày vừa vặn giúp bạn linh hoạt trong việc "đá" số, đạp thắng...
Quan sát ngã ba, ngã tư
Giảm tốc độ và quan sát khi vào các đoạn đường giao cắt giúp bạn chủ động trong mọi tình huống. Tuân thủ đèn tín hiệu giao thông hoặc người điều khiển giao thông khi tới các điểm giao cắt. Giảm tốc độ, rà thắng, xe phía sau sẽ quan sát thấy đèn hậu của bạn lóe sáng và sẽ giảm tốc độ. Một cú thắng gấp nơi ngã tư có thể gây nêu một vụ tai nạn dây truyền.
Giữ khoảng cách và vượt xe an toàn
Bạn hãy cố gắng giữ khoảng cách với các xe lưu thông phía trước và phía sau. Nếu tầm quan sát của bạn không bị hạn chế, bạn dễ dàng làm chủ mọi tình huống. Theo quá gần một chiếc xe hơi, và bất ngờ một chiếc xe máy phía trước tạt ngang đường trước đầu xe hơi, bạn không thể quan sát để giảm tốc độ, và khi đó bạn phải thắng gấp để tránh chiếc xe hơi với cụm đèn hậu đang sáng đỏ rực.
Ngay khi vượt một xe khác, bạn luôn nhớ phải vượt bên trái với một khoảng cách an toàn. Không vượt xe khác trong các tình huống khẩn cấp.
Hạn chế đi hàng đôi và đi khi trời mưa
Cố gắng hạn chế đi chiếc xe hai bánh của bạn khi trời mưa. Đường trơn trượt và nước mưa tạt vào mặt khiến bạn khó quan sát, kiểm soát chiếc xe của mình. Nếu không gấp gáp, hãy dừng xe, tìm một nơi trú mưa cho đến khi trời tạnh hẳn.
Đối với xe môtô khi lưu thông trên đường, không bao giờ nên đi hàng đôi.
Không uống rượu bia
Không bao giờ được uống rượu bia và lái xe. Ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy tìm một nơi nghỉ chân bên đường.