An toàn giao thông - Cần sự chung tay của cộng đồng

09:27, 10/03/2011

Cùng với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội là sự gia tăng về phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là mô tô, xe máy. Lưu lượng và mật độ tham gia giao thông cao kéo theo các vấn đề liên quan như: Xung đột giao thông, tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, nhất là giao thông đường bộ. Bởi vậy, TNGT ở Thái Nguyên những năm gần đây vẫn diễn biến phức tạp, trở thành một vấn đề xã hội không thể xem nhẹ.

 

Gia tăng tự phát

 

Phương tiện tham gia giao thông đường bộ hiện nay gia tăng tự phát theo nhu cầu và mục đích sử dụng. Các chính sách của Nhà nước tuy có tác động nhưng không nhiều đến số lượng, cơ cấu và chủng loại phương tiện. Theo con số thống kê của Ngành Giao thông - Vận tải, những năm gần đây mức độ gia tăng phương tiện giao thông hàng năm trung bình từ 15% đến 18%. Riêng năm 2010, số phương tiện đăng ký mới tăng cao với 38.260 xe mô tô, 2.634 xe ô tô, nâng số phương tiện hiện có trong tỉnh theo đăng ký là 423.322 xe mô tô và 23.438 xe ô tô. 

 

Tai nạn giao thông chưa giảm

 

Theo con số thống kê của Ngành Giao thông, số vụ TNGT, số người chết liên tục tăng qua từng năm. Năm 2010 số người chết tăng gấp 1,3 lần so với năm 2006 (238/181 người); năm 2006 trung bình 2 ngày có 1 người chết thì đến năm 2010 trung bình 1,5 ngày có 1 người chết. TNGT chủ yếu xảy ra trên đường bộ, đối tượng gây TNGT chủ yếu tập trung ở độ tuổi thanh niên từ 18 đến 30 tuổi (chiếm 60%), là nông dân ở nông thôn chiếm 70%; phương tiện gây TNGT nhiều nhất là mô tô hai bánh (chiếm 78%). Phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến quốc lộ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT chủ yếu vẫn do ý thức tự giác của người tham gia giao thông chưa cao. Các lỗi vi phạm phổ biến là đi không đúng phần đường (32,4%); tránh, vượt sai quy định (18,6%); không chú ý quan sát (13,6%); điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép (6,2%). Người tham gia giao thông chưa quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân. Hành lang an toàn giao thông (ATGT) ở một số nơi bị lấn chiếm, che khuất tầm nhìn chưa được xử lý kịp thời.

 

Quản lý còn nhiều bất cập

 

Công tác cưỡng chế thi hành luật, hoạt động tuần tra, kiểm soát, mở các chiến dịch cao điểm gắn với chủ đề trọng tâm, trọng điểm đã được các lực lượng chức năng quan tâm đẩy mạnh. Chỉ tính riêng năm 2010, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 62.470 trường hợp vi phạm, tạm giữ 170 xe ô tô, 9.200 xe mô tô, 7 xe tự chế và 53.100 bộ giấy tờ; xử phạt hành chính 59.304 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 15 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.836 trường hợp. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cưỡng chế… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác.

 

Quản lý vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên về góc độ đảm bảo ATGT còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nạn “xe dù” vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều hình thức phức tạp, cạnh tranh không lành mạnh gây nên hiện tượng lộn xộn trong vận tải. Tình trạng lái xe không thực hiện đúng phương án chạy xe, đón trả khách tùy tiện, trong nội thị thì chạy với tốc độ “rùa” làm tắc nghẽn giao thông, khi ra ngoại thành lại phóng nhanh, vượt ẩu làm gia tăng nguy cơ TNGT. Đa số các xe vận tải hàng hóa chở quá tải gây nên tình trạng nhanh xuống cấp của cầu, đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Bến xe khách nằm trong trung tâm thành phố hiện tại đã quá tải… 

 

Việc thẩm định về ATGT với các dự án đầu tư mới và nâng cấp, cải tạo đã được quan tâm, xong các công trình đường bộ đang khai thác hầu như chưa tiến hành thẩm định ATGT. Công tác thông tin tuyên truyền tuy đã được các ngành các cấp quan tâm nhưng chưa thường xuyên, chưa đến được với mọi người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.   

 

Cần sự chung tay của cộng đồng

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Nhận thức rõ diễn biến phức tạp của TNGT, Ngành Giao thông đã xây dựng Đề án về kiềm chế và đẩy lùi TNGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Nhiều giải pháp tích cực đã được đề ra một cách cụ thể hơn, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với ATGT được chú trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT sẽ được tăng cường với các chương trình cụ thể trong cộng đồng, trong trường học và phát triển văn hóa giao thông. Các biện pháp kiểm tra và xử lý vi phạm cũng sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ xung trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương. Thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch giao thông, nhất là trong các khu đô thị, các tuyến đường giao cắt, các bến xe, điểm đỗ xe; xây dựng và phát triển hệ thống thẩm định ATGT; tăng cường công tác cải tạo điểm đen, quản lý bảo đảm hành lang ATGT. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường đối với các phương tiện tham gia giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; năng cao năng lực cấp cứu y tế TNGT…

 

Như vậy hàng loạt các giải pháp về ATGT đã được đề ra. Việc cần nhất hiện nay để triển khai thực hiện có hiệu quả là sự chung tay, chung sức vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân, của cả cộng đồng.