Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

10:01, 26/04/2011

Mùa mưa bão đang đến gần, tình trạng mất an toàn giao thông tại các bến đò, bến cảng đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Bởi hầu hết các chủ bến, chủ đò, doanh nghiệp vận chuyển, bốc xếp hàng hoá… chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này.  

 

Cùng đoàn kiểm tra của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thuỷ, Phòng CSGT (Công an tỉnh), chúng tôi có mặt tại bến cảng của Doanh nghiệp Dung Quang, xóm Phú Thịnh, xã Thuận Thành (Phổ Yên). Đây là doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn nhất nhì trong lĩnh vực khai thác bến cảng tại khu vực này. Khi chúng tôi có mặt thì hoạt động khai thác, dịch vụ bốc xếp hàng hóa diễn ra khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, tất cả chỉ quan tâm đến một điều duy nhất, đó là lợi nhuận chứ vấn đề đảm bảo ATGT đường thủy của Doanh nghiệp gần như không có gì. Hệ thống cột neo cho tàu cập bến thì cái bị gẫy, cái đổ ngả nghiêng, thậm còn bị hàng hoá lấp đầy lên. Trong quá trình khai thác, những tấm biển báo hiệu giao thông đường thủy tại khu vực này đã bị hàng hoá của doanh nghiệp đổ lấp lên và bị gẫy đổ. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn tự ý mở rộng diện tích bến bãi khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, vi phạm chỉ giới bờ, tự ý làm nhô ra, ảnh hưởng đến dòng chảy...

 

Khi biết có đoàn kiểm tra của CSGT đường thủy đến làm việc, lãnh đạo đơn vị này đã lấy lý do công tác để tránh mặt và giao cho ông Nguyễn Đức Thuận - người quản lý bến cảng tiếp đoàn, nhưng khi trao đổi thì ông Thuận không nắm được gì và quanh co, lấp liếm những hành vi đang vi phạm của Doanh nghiệp…

 

Trở lại gần khu vực cầu Đa Phúc, là nơi nhiều tàu thuyền cập bến lên xuống hàng hóa nhộn nhịp nhất khu vực này, tình trạng vi phạm cũng không kém. Theo quy định thì tất cả tàu thuyền khi neo đậu chỉ được phép đậu một hàng. Song, ở đây tàu thuyền đã neo đậu hàng ba, hàng tư và đang làm cản trở nghiêm trọng đến luồng, lạch đi lại của các loại phương tiện đường thủy khác. Quan sát cảnh bốc dỡ, vận chuyển hàng hoá lên những chiếc xuồng đã cũ nát, những chiếc phao cứu hộ cũ rách và chỉ treo để tượng trưng, cùng với sự chủ quan của người dân không ai dám chắc sẽ không có tai nạn xảy ra. Một lái tàu chuyên nghiệp của tàu BN - 0620, thường xuyên chở hàng từ Bắc Ninh lên khu vực cảng Đa Phúc khi trao đổi với chúng tôi đã nói rất sợ mất an toàn mỗi khi lưu thông gặp phải loại phương tiện này.

 

Ngoài các bến cảng neo đậu để bốc xếp hàng hoá, trên địa bàn tỉnh còn có các bến đò chở khách qua sông. Qua thực tế tại các bến đò này thì tình trạng đã được cải thiện hơn nhưng vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu không an toàn. Theo thống kê của Phòng CSGT, trên địa bàn tỉnh có 37 bến đò ngang, trong đó tập trung 8 bến ở huyện Phổ Yên, trong đó 6 bến được cấp phép và có đầy đủ các điều kiện để hoạt động. Tại bến đò Lợi Bến, xóm Lợi Bến, xã Tân Phú (Phổ Yên), chúng tôi quan sát thấy trên đò chỉ có 1 chiếc áo phao cứu sinh, 2 phao cứu sinh đã cũ nát. Chị Nguyễn Thị Quy, xóm Đại Mão, xã Đại Thành, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) - một trong những chủ đò ngang qua sông Cầu tại bến đò Lợi Bến, xóm Lợi Bến, xã Tân Phú (Phổ Yên) bảo: Khu vực này có 3 bến đò nên ít người qua lại vì thế mỗi chuyến chúng tôi chỉ chở vài người, trong khi tải trọng của đò được cấp phép là 30 người nên rất an toàn. Những hôm mưa bão, nước dâng cao thì các chủ đò đều nghỉ để đảm bảo an toàn. Phao cứu hộ, áo phao chỉ để đấy chứ chưa dùng đến bao giờ…

 

Theo Thiếu tá Bùi Tuấn Long - Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT thì nguy cơ mất an toàn và vi phạm về ATGT đường thủy tập trung nhiều nhất là bến cảng tại Đa Phúc, vì ở đây có nhiều tàu thuyền qua lại. Còn các bến đò ngang đã được giao cho các địa phương quản lý nên tình hình ổn định hơn.

 

Để đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ trước mùa mưa bão, Ban ATGT tỉnh, Phòng CSGT đã ban hành Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, tham gia phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn năm 2011 tại các địa bàn trọng điểm: Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều; các ga: Quán Triều, Đồng Quang, Lưu Xá; bến thuỷ Đa Phúc, khu vực Hồ Núi Cốc… Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn Luật An toàn Giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông đường thuỷ… Đặc biệt, các lực lượng chuyên ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý  các trường hợp vi phạm sẽ là giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu nguy cơ mất ATGT đường thủy xảy ra.