Kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông: cần kết hợp 3 giải pháp

14:58, 07/04/2011

Tại một cuộc họp mới đây, Sở Giao thông- Vận tải vừa trình với UBND tỉnh Đề án dự thảo kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh giai đoạn 2011-2015.  

 

Trong đó, qua thống kê “bức tranh toàn cảnh” về tai nạn giao thông (TNGT) từ năm 2006 đến năm 2010 thật đáng suy ngẫm: số vụ (TNGT), số người bị thương có giảm trong 2 năm 2006-2007 so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt số người bị thương năm 2010 so với năm 2006 đã giảm 2 lần. Nhưng số người chết lại liên tục tăng theo từng năm: Năm 2010, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2006 (238/181 người). Tai nạn chủ yếu liên quan đến giao thông (GT) đường bộ chiếm 98,8% (1.010 người). Và 3 tháng đầu năm 2011 tình hình TNGT vẫn ở mức cao: xảy ra 175 vụ, bị thương 225 người. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên chủ yếu là: hoạt động giao thông (GT) vận tải gia tăng, mật độ người và phương tiện tham gia GT tăng; hạ tầng GT chưa đáp ứng. Song, cốt lõi vẫn là ý thức tự giác chấp hành Luật GT của người tham gia giao thông chưa cao. Phần lớn các vụ TNGT xảy ra đều liên quan đến ý thức tự giác chấp hành Luật GT của người đi đường (chiếm 71,31%).             

 

Với tốc độ phát triển các phương tiện tham gia GT (mức độ gia tăng hàng năm từ 15-18%), trong khi đó, công tác quản lý (từ quản lý phương tiện, vận tải đến đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý cấp giấy phép lái xe) còn bất cập; ý thức người tham gia GT chưa cao thì việc thực hiện Đề án kiềm chế và đẩy lùi TNGT là rất cần thiết và cần được nhanh chóng  phê duyệt để triển khai thực hiện. Mặc dù trong Đề án đưa ra rất nhiều giải pháp để kiềm chế, đẩy lùi… song, trong nhiều việc phải làm và mang tính chiến lược lâu dài đòi hỏi phải có thời gian và kinh phí thực hiện khá lớn thì tỉnh cũng cần lựa chọn những việc gì cần làm trước, việc gì cần làm sau để thực hiện đạt hiệu quả cao.

 

Trong các giải pháp, Đề án cũng nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền là biện pháp hàng đầu. Tuy nhiên, giải pháp đề ra không được thực hiện triệt để, nghiêm minh, công bằng thì hiệu quả không cải thiện nhiều. Vì trên thực tế, trong quá trình xử lý vi phạm chúng ta vẫn còn nương nhẹ nên vẫn để những vi phạm phổ biến diễn ra như: Một số người điều khiển phương tiện lạng lách phóng nhanh vượt ẩu trong thành phố cũng chưa bị xử lý đến cùng. Giờ cao điểm trong khu vực thành phố Thái Nguyên vẫn để xe chở hàng trọng tải lớn đi lại gây mất an toàn cho những người xung quanh và gây ùn tắc giao thông; các xe buýt, xe “dù” còn phóng nhanh vượt ẩu, tranh cướp khách. Khi qua đèn đỏ hoặc đi trái làn đường, Cảnh sát thường xử lý những người đi ô tô, xe máy vi phạm, còn những người đi xe đạp, đạp xe thồ nặng, người đi bộ vẫn thản nhiên vượt qua cũng không được còn bỏ qua, thậm chí không nhắc nhở. Kinh phí cho thực hiện công tác tuyên truyền cũng không phải ít, nhưng ý thức người tham gia GT không được cải thiện mấy, thậm chí ở những vùng nông thôn còn nhiều người vẫn không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, không mua bảo hiểm xe nhưng các địa phương cũng chưa quan tâm vào cuộc tích cực để có giải pháp ngăn chặn mà coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành Công an. Vì thế, các ngành liên quan cần phối kết hợp với chính quyền địa phương đổi mới công tác tuyên truyền thiết thực, hiệu quả hơn theo hướng trực tiếp đến người dân và tăng cường số lượt tuyên truyền trong năm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra ở những tuyến đường hay gây TNGT, các tuyến đã phân làn đường để tạo ý thức trong chấp hành Luật GT (ý thức đó phải trở thành thói quen trong hành động của người dân: khi đã có quy định cấm đi trái làn đường thì dù có Cảnh sát giao thông đứng kiểm tra hay không có thì người dân cũng không dám vi phạm). Trong xử lý: tất cả mọi người đã tham gia giao thông thì dù là người điều khiển phương tiện mô tô, người đi xe thô sơ, người đi bộ vượt vi phạm đều phải xử phạt công bằng. Đặc biệt, cấm các xe tải lớn chở hàng nặng vào trong thành phố vào những giờ cao điểm; tăng cường kiểm tra ngăn chặn xe “dù”, xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu.

 

Trong khâu quản lý cần phải bắt đầu từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe. Vì đây cũng là khâu chưa được quản lý chặt chẽ, ngay cả có người trong ngành Công an cũng thừa nhận là: “vẫn có tình trạng mua bằng lái xe”. Với những lái xe không được đào tạo, sát hạch đến nơi đến chốn thì sẽ gây hậu quả khó lường. Vì vậy, theo chúng tôi, cần kết hợp các biện pháp, trong đó trọng tâm là 3 biện pháp: tuyên truyền giáo dục; kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm nghiêm ngặt; thì Đề án sẽ đi vào cuộc sống và được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Đồng thời, Đề án sớm đạt được mục tiêu đề ra là: thiết lập và duy trì trật tự xã hội trong lĩnh vực GT nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi tham gia GT.