Thái Nguyên có hai tuyến đường sắt Đông Anh - Quan Triều và Núi Hồng – Quan Triều chạy qua địa bàn với tổng chiều dài 69 km. Theo thống kê của các cơ quan chức năng trong 2 tuyến đường sắt này có 352 đường ngang giao cắt với đường sắt. Trong đó, chỉ có 76 đường ngang hợp pháp có biển báo, hệ thống phụ trợ còn 276 đường ngang không hợp pháp. Việc quản lý các tuyến đường ngang này hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn và đây cũng chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.
Nhiều đoạn đường ngang không an toàn
Cùng đoàn kiểm tra ATGT đường sắt của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh có mặt tại đoạn đường ngang (Km 32+900) thuộc xóm Chùa, xã Hồng Tiến (Phổ Yên), chúng tôi được chứng kiến cảnh các em học sinh và người dân khó nhọc dắt hoặc đi xe đạp, xe máy vượt qua các rãnh đường ray để qua đường. Con đường ngang này được xếp vào điểm đen vì tại đây đã xảy ra nhiều vụ va chạm và tai nạn giao thông giữa đường bộ và đường sắt. Gần đây nhất là vào ngày 26-12-2010, chiếc xe ôtô BKS 20L-8705, khi vượt qua đường ngang thì bị kẹt gầm, đúng lúc đó tàu chạy qua, chiếc ô tô bị cán đi một đoạn, cũng may không xảy ra thiệt hại về người, đoàn tàu bị chậm giờ 35 phút. Anh Nguyễn Văn Sáng, một người dân sống gần đó cho biết: “Vào giờ cao điểm 7h sáng và 4h chiều, học sinh qua đoạn đường này rất đông (vì Trường Tiểu học và THCS Hồng Tiến nằm cách đó 200m), trong khi 7h30 và 4h30 là tàu chạy qua, hệ thống barie, còi, đèn tín hiệu không có, đường lại chưa cải tạo, hẹp và khó đi nên chúng tôi thấy rất lo”.
Tại đoạn đường ngang km27+925 thuộc địa phận xóm Núi, xã Nam Tiến (Phổ Yên), tình trạng tắc đường vào các giờ cao điểm cũng xảy ra vì cách con đường ngang này 300m là Trường Tiểu học và Mầm non Nam Tiến, mật độ dân đi lại đông. Đoạn đường này lại có độ dốc cao, đường cua khúc, gập gồ, xe đạp, xe máy thường phải dắt hoặc phải cứng tay lái mới đi qua được.
Tại đường ngang ở vị trí cây đa đôi thuộc xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) thuộc cung đường sắt Núi Hồng - Quán Triều nguy cơ về mất ATGT đường sắt không còn tiềm ẩn mà đã hiện hữu. Tại vị trí này đã từng xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 2 người và nhiều vụ va quệt giao thông khi tàu chạy qua. Quan sát đoạn đường ngang này chúng tôi thấy, nằm ngay sát đường ray là khu chợ cóc, cửa hàng tạp hóa, đoạn đường khuất tầm nhìn, cách đường ngang 100m là Trường Mầm non, Trường Tiểu học và THCS Phú Xuyên nên lưu lượng người và phương tiện qua đây rất đông trong khi đường không được nâng cấp, không có barie, còi báo… Chị Trần Thị Hạnh, chủ cửa hàng tạp hóa gần đó cho biết: “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ va quệt và tai nạn tại đoạn đường ngang này, nhưng thương nhất là vụ 1 học sinh 7 tuổi bị tàu cán chết khi đi xe đạp ngang qua đúng lúc tàu chạy, ở đây chúng tôi đã hô hoán và gọi nhắc cho hàng chục người tránh được va quyệt khi tàu chạy qua...
Khó khăn trong công tác quản lý
Trao đổi với chúng tôi Ông Nguyễn Tử Tuyến, Quản đốc Phân xưởng Đường sắt, Công ty Than Núi Hồng cho biết: “Việc quản lý tuyến đường sắt Núi Hồng - Quan Triều rất khó khăn do ý thức của người dân về ATGT đường sắt chưa cao, tình trạng lấn chiếm hành lang, tự ý mở đường ngang dân sinh trái phép còn nhiều. Đến nay, trên cung đường sắt dài 35km này có đến 260 đường ngang, trong đó chỉ có 58 đường ngang hợp pháp theo thiết kế có biển báo, hệ thống còi, đèn phụ trợ, còn 202 đường ngang không hợp pháp phát sinh trong quá trình sinh hoạt của người dân. Năm 2010, Công ty đã phối hợp với Phòng CSGT (Công an tỉnh), công an huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên lập biên bản 23 trường hợp vi phạm hành lang đường sắt và 13 trường hợp mở đường ngang trái phép, yêu cầu dừng thi công và khôi phục lại hiện trạng. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại nên nhiều hộ dân vẫn cố tình vi phạm. Thực tế cho thấy trong 202 đường ngang không hợp pháp cũng có nhiều tuyến đường cần phải được nâng cấp thành đường hợp pháp để phục vụ nhu cầu đi lại và đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ví dụ, tại địa điểm cây đa đôi, một điểm đen về tai nạn giao thông chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng quan tâm đầu tư nâng cấp vì điểm đường ngang này rất đông người qua lại, một số cửa hàng tạp hóa nằm ngay cạnh đường ray rất nguy hiểm cũng cần có phương án bồi thường di dời, nhưng do không có kinh phí nên mọi việc vẫn dừng lại ở công tác tuyên truyền nhắc nhở”.
Đối với cung đường sắt Quan Triều - Đông Anh, việc quản lý cũng rất khó khăn. Toàn tuyến dài 34 km có 92 đường ngang, trong đó chỉ có 18 đường ngang hợp pháp còn lại 72 đường ngang không hợp pháp. Anh Bùi Kế Tiến, Cung Trưởng Cung đường sắt Phổ Yên cho biết: “Các đường ngang đều nằm ở khu dân cư, gần trường học nên việc quản lý rất khó, năm 2010, chúng tôi đã phối hợp với Phòng CSGT (Công an tỉnh) và công an địa phương lập biên bản 26 trường hợp mở đường ngang trái phép, 22 trường hợp vi phạm hành lang giao thông đường sắt. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại nên người dân vẫn tiếp tục vi phạm bất chấp sự nguy hiểm và cảnh báo của cơ quan chức năng. Do đó, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền trong các trường học, cho các hộ dân 2 bên đường sắt ký cam kết, chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng tổ chức thành các đường gom và nâng cấp một số tuyến đường ngang dân sinh có nguy cơ cao về mất ATGT đường sắt thành đường ngang hợp pháp như tại vị trí km27+975 (xóm Núi, Hồng Tiến); km25+975 (xóm Trinh nữ, xã Tân Hương); km 32+900 (xóm Chùa, xã Hồng Tiến).
Cần một giải pháp đồng bộ
Qua thực tế cho thấy, phần lớn các đường ngang dân sinh đều trong tình trạng rất khó đi, mặt đường dốc, lồi lõm, không có hệ thống còi, biển báo phụ trợ nên nguy cơ về mất ATGT đường sắt là rất cao, trong khi việc lập biên bản xử lý vi phạm lại ít phát huy tác dụng. Do đó, để đảm bảo ATGT đường sắt rất cần một giải pháp đồng bộ từ công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ các công trình đường sắt đến việc rà soát phân loại các đường ngang để có kế hoạch nâng cấp thành các đường ngang hợp pháp có biển, còi báo hiệu đầy đủ; có kế hoạch tổ chức lại các đường ngang dân sinh thành các đường gom để phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng của nhân dân; kiên quyết đình chỉ các đường ngang không hợp lý vi phạm hành lang giao thông đường sắt. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm để nâng cao tính răn đe.