Quy định niêm yết giá cước vận tải: nhiều doanh nghiệp vẫn “làm ngơ”

08:30, 29/12/2011

Theo Thông tư liên tịch số 129/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải có hiệu lực từ ngày 10-10-2010 (gọi tắt là Thông tư 129), các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi, vận tải hành khách bằng xe buýt  đều phải thực hiện việc niêm yết giá công khai ra ngoài thành xe và bên trong xe…

Sau hơn 1 năm quy định này có hiệu lực, hoạt động vận tải hành khách tại Thái Nguyên đã bắt đầu đi vào quy củ, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều thực hiện nghiêm túc đúng theo quy định của liên Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải. Các thông tin về giá cước vận tải đều được niêm yết khá rõ ràng và cụ thể ở ngay thành xe, chỗ cửa lên xuống và cả bên trong xe. Điều này không chỉ mang lại sự thuận tiện cho hành khách, làm tăng lòng tin của họ đối với các doanh nhiệp vận tải mà còn giúp cho Ban Quản lý Bến xe khách dễ dàng hơn trong việc kiểm soát giá vé vận tải; tình trạng trạng tăng giá vô tội vạ, bắt chẹt hành khách… đã giảm đi đáng kể.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp vận tải thực hiện khá nghiêm túc các quy định về giá cước vận tải nói trên, vẫn còn không ít doanh nghiệp cố tình “phớt lờ” không thực hiện với nhiều hình thức khác nhau.

 

Đại diện Bến xe khách Thái Nguyên, ông Lê Hồng Dương, Trưởng phòng Kế hoạch - Điều độ cho biết: Bến xe khách Thái Nguyên là nơi trung chuyển hành khách lớn nhất của tỉnh với 106 doanh nghiệp vận tải, tương ứng với  584 đầu xe hoạt động thường xuyên phục vụ nhu cầu đi lại của hàng nghìn lượt hành khách mỗi ngày. Vì vậy việc quản lý giá cước vận tải của các doanh nghiệp không phải là vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, từ ngày 10-10-2010, Bến đã có thông báo rộng rãi đến các chủ doanh nghiệp, tài xế lái xe về việc thực hiện quy định niêm yết giá ngoài thành xe và cả bên trong xe. Trong thời gian đầu mới triển khai quy định, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp là thực hiện đúng theo quy định, một phần do ý thức chấp hành của các doanh nghiệp chưa cao, một phần do trong Thông tư 129 không nêu rõ ràng chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra “làm ngơ” trước quy định. Để giải quyết tình trạng này, bến xe đã phải in một bảng mẫu niêm yết giá cước chung rồi yêu cầu các nhà xe kê khai đúng theo giá vé để niêm yết theo quy định. Ông khẳng định rằng: đến nay, 100% các doanh nghiệp vận tải hành khách tại Bến đã chấp hành nghiêm túc quy định này…

 

Nhưng, khi có mặt tại Bến xe khách Thái Nguyên lúc 15 giờ chiều ngày 26-12, chúng tôi lại thấy rằng: vẫn còn không ít nhà xe không thực hiện việc niêm yết giá vé ở bên ngoài thành xe theo quy định, điển hình như các xe chạy tuyến: Thái Nguyên - Mỹ Đình - Hà Đông chạy lức 16 giờ 45 phút; Mỹ Đình - Định Hóa của doanh nghiệp vận tải Hạnh Bưởi, chạy lúc 17 giờ; Hải Phòng - Thái Nguyên của doanh nghiệp vận tải Trung Dũng, chạy lúc 17 giờ 15 phút; Thái Nguyên - Nghệ An, Thái Nguyên - Thái Bình của công ty Cổ phần vận tải Thái Nguyên, chạy lúc 17 giờ 30 phút; Thái Nguyên - Hà Tĩnh của công ty cổ phần Lộc Bảo Minh, Thái Nguyên - Móng Cái của công ty vận tải Toàn Thắng, Mỹ Đình - Thái Nguyên của doanh nghiệp vận tải Tân Đạt…

 

Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 129, bảng niêm yết giá cước vận tải ở mặt ngoài cánh cửa xe phải có diện tích tối thiểu là 500cm2. Nhưng hầu như tất cả các bảng niêm yết giá của các nhà xe đều được thiết kế theo phương châm “gọn, nhỏ”, rất khó quan sát. Ngay cả “bảng mẫu” của bến xe cấp cho các doanh nghiệp cũng có diện tích chỉ bằng 2/3 so với quy định (280cm2)… Thậm chí, có nhà xe dán bảng niêm yết giá cũng chỉ để “tham khảo” vì giá cước thay đổi theo giá xăng dầu, nhưng nhà xe vẫn chưa thay bảng báo giá mới…

 

Trong vai 1 hành khách muốn bắt xe đi bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), tôi bước đến gần chiếc xe khách chạy tuyến Thái Nguyên - Mỹ Đình của doanh nghiệp vận tải Hạnh Bưởi và thắc mắc: tại sao lại không bảng có giá niêm yết ở ngoài xe? Anh tài xế cho biết: “Em về đâu? Mỹ Đình hả? 40 nghìn, lên xe đi, không sợ đắt đâu mà lo…” Vẫn thắc mắc đó, tôi đi hỏi một vài lái xe khác không niêm yết giá vé thì đều nhận được câu trả lời: Niêm yết giá mà làm gì? Có giá chung cả rồi, chúng tôi làm ăn thì phải giữ chữ tín, bắt chẹt hành khách thì lần sau ai dám đi nữa…? Câu giải tích nghe thì có vẻ có lý nhưng thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Anh Nguyễn Văn Đức, giảng viên trường Đại Học Khoa Học Thái Nguyên cho biết: “Mặc dù nhà xa (Quảng Ninh) nhưng tháng nào tôi cũng đi xe khách về quê 1-2 lần, nhưng mỗi lần là một giá vé khác nhau, có  lần chỉ 80 nghìn, nhưng có lần lại là 90 hoặc 100 nghìn, nhất là thời điểm giáp Tết này, kiểu gì giá vé cũng tăng từ 5-10% tùy từng nhà xe. Vì thế, từ năm ngoái đến nay tôi chỉ đi quen 1 nhà xe mà thôi, vì nhà xe này niêm yết giá vé rất rõ ràng.”

 

Giải thích về tình trạng nói trên: Ông Dương cho biết thêm: “Do một số nhà xe mới sửa sang, thay thế, phát sinh thêm xe mới nên có thể họ chưa kịp dán bảng thông báo giá cước.” Nếu đúng như vậy thì không biết trong năm 2011 bến xe phát sinh thêm bao nhiêu xe mới mà ngay buổi chiều ngày 26-12 chúng tôi đã bắt gặp gần chục chiếc xe như vậy? Cũng theo ông Dương: Thông tư 129 còn có một hạn chế là không nêu rõ chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Bến chỉ có quyền đình tài đối với những nhà xe không niêm yết giá, mà không có quyền xử phạt, một khi nhà xe đã dán niêm yết thì lại phải chấp nhận cho vào bến chạy tiếp.

 

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ các doanh nghiệp vận tải theo tuyến cố định tại Bến xe khách Thái Nguyên mà còn nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi, xe buýt cũng không niêm yết giá cước theo đúng quy định như: taxi 756 của công ty cổ phần thương mại và dịch vụ 756, Taxi Đăng Quang (20A 00455); Taxi Việt Bắc (20L 6397); Taxi Hoa Linh (20A 00790); xe buýt Mạnh Hà chạy tuyến Gang Thép - Yên Lãng (20L 0243); Xe Buýt Hà Lan chạy tuyến Chợ Chu-Định Hóa (xe số 6)… Mặt khác, một số xe taxi mặc dù có bảng niêm yết giá cước ở bên ngoài thành xe nhưng lại có kích thước quá nhỏ, rất khó quan sát như: Taxi Hưng Tâm; taxi Mai Linh Group, taxi Hà Lan…

 

Trước thực trạng nói trên, thiết nghĩ Bộ Giao thông Vận tải cần có quy định cụ thể hơn về hình thức niêm yết giá cước đối với các doanh nghiệp vận tải như: thống nhất kích thước bảng giá, có mẫu mã chung, cỡ chữ giống nhau hoặc bắt buộc phải làm đề can cố định ở thành xe để không thể gỡ bỏ được... Mặt khác, thời gian tới các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm, đặc biệt là cần có chế tài xử phạt nặng hơn nữa để chấm dứt tình trạng trên, để hành khách thực sự yên tâm hơn nhất là trong những ngày giáp Tết khi mà nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Nguyên Ngọc