Khi vi phạm Luật Giao thông bị lực lượng chức năng lập biên bản, không ít người thay vì xấu hổ lại ngang nhiên “gọi điện thoại cho người thân” để cầu cứu - đó là những hình ảnh chúng tôi được chứng kiến trong chiến dịch ra quân xử lý vi phạm hưởng ứng Tuần ATGT do Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an TP tổ chức tối 21/3.
“Gọi trợ giúp từ người thân”
“P1 chú ý chiếc xe 20A - 01406 vi phạm tốc độ 65/50; xe 49H - 2721 không sử dụng thiết bị đèn chiếu sáng ban đêm…” Những âm thanh từ chiếc bộ đàm do chốt kiểm soát phía đầu đường Cách mạng Tháng 8 (CMT8) thông báo liên tục vang lên. Ngay phía dưới trục đường này (đoạn cầu Xương Rồng) các chiến sĩ cảnh giao thông liên tục dừng các xe vi phạm lại để lập biên bản.
“Mời anh chị xuất trình giấy tờ xe”… “Dạ đợi tôi một chút, tôi quên ở nhà, để tôi gọi điện nhờ người nhà mang đến”. Nhưng đằng sau những cuộc điện thoại đó lại là những lời nhờ vả can thiệp, và kỳ lạ hơn là lúc lúc lại có người vi phạm ra ngó tên của các chiến sĩ đang lập biên bản: “anh ơi, cô lập biên bản xe em tên T, tên H… anh bảo giúp em nhé!…”…
Và sau những cuộc điện thoại đó thì máy điện thoại của nhiều chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm cũng tiên tục vang lên. Một chiến sĩ cho biết: tôi không dám nghe điện thoại, bởi… rất ngại, nhiều người không hiểu đã gây khó cho chúng tôi khi làm nhiệm vụ chị ạ”. Và tôi cũng thầm hiểu có nhiều cuộc điện thoại các chiến sĩ ở đây không thể không nghe và cũng không thể không thực hiện.!?
“P1 chú ý chiếc xe biển kiểm soát 20L 1999 vi phạm tốc độ 76/50”… Một chiếc ô tô sang trọng được yêu cầu dừng lại, xuống xe là một người đàn ông trung tuổi bước đi không vững, hơi men nồng nặc…“Yêu cầu anh xuất trình giấy tờ… đợi tôi một chút… và lại tiếp tục gọi điện thoại cho người thân…!?
Khó xây dựng văn hoá giao thông khi… còn thiếu ý thức
Chỉ trong hơn 2 giờ đồng hồ, với một chốt kiểm tra trên trục Cách mạng Tháng 8, các cơ quan chức năng đã lập biên bản trên 80 trường hợp vi phạm. Trong đó có một trường hợp cố tình điều khiển phương tiện chống người thi hành công vụ. Đó là chiếc xe tải BKS 30F 7026 do Triệu Văn Khoa, trú tại xã Yên Lãng (Đại Từ) điều khiển. Khi có hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra, Khoa đã cố tình lái xe bỏ chạy, lực lượng cảnh sát đã phải huy động người truy đuổi và đưa về Công an Thành phố lập biên bản giải quyết theo quy định của pháp luật. Trao đổi với chúng tôi anh Ma Văn Khiêm, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố) cho biết: 10 xe yêu cầu dừng lại kiểm tra giấy tờ thì có đến 9 xe vi phạm với các lỗi như: tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, không sử sụng đủ thiết bị chiếu sáng ban đêm…”
Theo thống kê của lực lượng chức năng các đối tượng vi phạm có rất nhiều người là cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp và đặc biệt có cả các cô giáo - những người hàng ngày vẫn lên lớp giảng bài cho các em học sinh về việc phải chấp hành các quy định về giao thông. Đối với những người vi phạm họ có rất nhiều các lý do để biện minh cho việc làm chưa đúng của mình: Anh Phạm Văn Đức (phường Tích Lương) lái xe taxi vượt tốc độ cho phép giải thích do khách yêu cầu chạy nhanh nên “vi phạm”; còn anh Phùng Đức Tuấn (phường Gia Sàng) khi bị lập biên bản lỗi không sử dụng đủ đèn chiếu sáng ban đêm, lý giải do gần nhà, đường Thành phố sáng nên “quên” bật đèn xe; em Phạm Hữu Vinh (phường Phú Xá) lỗi không có gương thì lại cho rằng để gương vướng không cần thiết nên tháo ra; còn ông Vũ Hồng Cương (xã Lương Sơn) khi lập biên bản vẫn cho rằng mình không vi phạm tốc độ, mặc dù máy bắn tốc độ đã hiện rõ lỗi vi phạm… Qua đó, cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông còn rất kém. Mọi người không ý thức được rằng những hành động tưởng rất bình thường như: quên bật đèn xe, không nhìn gương chiếu hậu khi qua đường hay chạy quá tốc độ… có thể là nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, thậm chí cướp đi sinh mạng của con người. Và điều này cũng lý giải vì sao số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn ở mức cao.
Nếu nhìn vào con số thống kê người chết do TNGT chắc chúng ta không khỏi rùng mình, bởi ở một đất nước không có chiến tranh như Việt Nam mà một ngày có 30 người chết vì TNGT. Ở Thái Nguyên 2 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 60 vụ TNGT làm chết 32 người, bị thương 63 người. Như vậy, bình quân 2 ngày lại có 1 người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đồng. Do đó, có thể thấy nếu chừng nào ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao thì chừng đó TNGT sẽ khó được đẩy lùi.
Ý thức chấp hành giao thông ở chính trong mỗi con người, nhưng để khơi dậy được ý thức đó thì cũng vẫn cần những giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng. Là người trực tiếp tham gia công tác tuần tra, xử lý vi phạm, anh Bùi Tuấn Long, Đội Trưởng Đội tuần tra Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho rằng: Việc phối hợp tổ chức các đợt cao điểm trong địa bàn thành phố có sự hỗ trợ của trang thiết bị như máy bắn tốc độ, đo nồng độ cồn… như trên cũng là một giải pháp hiệu quả để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân, hạn chế được tâm lý chủ quan, tiện thể của nhiều người dân Thành phố". Mặt khác, Thông tư 22 cũng đã quy định rất rõ việc gửi thông báo vi phạm giao thông về cơ quan, đơn vị khu dân cư, và yêu cầu các cơ quan đơn vị, khu dân cư phải phản hồi lại cơ quan chức năng về cách xử lý vi phạm. Nếu mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và khu dân cư thực hiện tốt Thông tư này cũng sẽ tạo được sự răn đe cần thiết. Hiện nay, tại các khu dân cư, phường, xã đều có hệ thống loa truyền thanh nên nếu thực hiện tốt việc thông báo tên những người vi phạm trên loa truyền thanh cũng sẽ là một biện pháp khiến người vi phạm thấy “xấu hổ” vì hành vi phạm luật của mình, từ đó nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.