Nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng

16:19, 29/03/2012

Lưu lượng phương tiện vận tải quá lớn, tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải ngày càng phổ biến đã làm nhiều tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh và các tuyến Tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng…

Nguyên nhân do xe quá tải

 

Mặc dù ngày 14-9-2011, Giám đốc Công an tỉnh đã có Văn bản số 5937 về tiếp tục tăng cường xử lý xe ô tô chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường của tỉnh (trước đây đó có Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này) và lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản, xử lý trên 1.600 trường hợp xe ô tô vi phạm lỗi chở quá tải (trong năm 2011), nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, tình trạng xe ô tô chở quá tái vẫn tiếp diễn trên một số tuyến đường như: Quốc lộ 37 (đoạn từ T.P Thái Nguyên đi Tuyên Quang); ĐT 261, ĐT 263; ĐT 269…

 

Nhiều chiếc xe ô tô chở vật liệu xây dựng, than, quặng có thiết kế trọng tải từ 18 tới 25 tấn nhưng thực vận chuyển hàng lên tới 45-50 tấn. Xe trọng tải lớn lại chạy với tốc độ cao khiến người tham gia giao thông kinh hãi và nhanh chóng gây hư hỏng đường giao thông. Trên Quốc lộ 37 mỗi ngày có đến trên 30 lượt xe ô tô “đại trọng tải” vận chuyển cát về từ Tuyên Quang về Thái Nguyên nên một số đoạn đường mới đầu tư nâng cấp chưa được 5 năm nhưng giờ đã lún, rạn nứt.

 

Chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho biết: “Tôi bán trái cây ở quán bên đường nên hàng ngày chứng kiến nhiều xe ô tô tải chở cát lặc lè từ Tuyên Quang về. Những xe tải chở cát này hôm nắng thì kéo theo bụi mù mít, hôm mưa người đi đường không để ý sẽ bị té bấn hết”. Riêng các tuyến Tỉnh lộ do kinh phí đầu tư hạn chế nên chất lượng đường đã không cao, lưu lượng phương tiện lớn, cộng thêm tình trạng xe ô tô chở quá tải phổ biến đã phá nát mặt đường.

 

Có mặt tại ĐT 261 (đoạn từ xã Bình Thuận đi xã Lục Ba của huyện Đại Từ), chúng tôi thấy trên mặt đường lỗ chỗ nhiều ổ gà sâu tới 20cm. DT 263 (đoạn từ thị trấn Đu đến xã Ôn Lương của huyện Phú Lương) nhiều đoạn mặt đường bị lột hết lớp thảm nhựa còn trơ lại đá, đoạn bị nứt vỡ do xe ô tô chở quặng có tải trọng lớn gây ra.

 

Trước sự xuống cấp của tuyến ĐT 263, năm 2007, 3 doanh nghiệp khai khoáng chuyên vận chuyển khoáng sản là: Công ty TNHH Xây dựng và Khai khoáng Miền núi, Công ty Cổ phần Ban tích; Công ty Cổ phần Xuất - Nhập khẩu Thái Nguyên đã cam kết góp khoảng 6 tỷ đồng để cùng với nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường này nhưng đến mới góp được trên 2 tỷ đồng.

 

Tuyến ĐT 269 (đoạn từ xã Linh Sơn tới thị trấn Trại Cau của huyện Đồng Hỷ) mới được đầu tư nâng cấp 3 năm nay nhưng ngoài chuyện hàng ngày đất, đá rơi vãi trên mặt đường do các xe ô tô chở hàng cơi nới thùng, che đậy không kín thì hai bên lề đường có chỗ nứt vỡ cả mảng, trên mặt đường xuất hiện nhiều thùng, vũng rất rộng.

 

Đồng chí Đỗ Vũ Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Lưu lượng phương tiện lớn nên tình trạng đường giao thông, nhất là các tuyển tỉnh lộ nhanh xuống cấp là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân kinh phí đầu tư thấp dẫn đến chất lượng chưa cao, địa hình bị chia cắt, lưu lượng xe lớn thì có nguyên nhân do xe ô tô chở quá tải trọng gây nên.  

 

Muốn kinh tế phát triển đương nhiên phải khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động khai thác tài nguyên, sản xuất chế biến sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong tỉnh và thông thương ra ngoài tỉnh. Nhưng nếu không có sự giám sát, quản lý phù hợp của các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế xe “đại trọng tải” và kịp thời bố trí nguồn vốn tu sửa thì không lâu nữa các tuyến đường trọng yếu của tỉnh sẽ nhanh chóng xuống cấp, không khá hơn những con đường đất trước đây là bao.