Các phương tiện vận chuyển quá tải trọng quy định từ trước đến nay vẫn là vấn đề khá phổ biến, khó giải quyết dứt điểm. Thời gian gần đây, vấn đề này đã thực sự trở nên nóng bỏng bởi khi kiểm tra, hầu hết các phương tiện vận tải lớn di chuyển trên địa bàn tỉnh đều vi phạm quy định về tải trọng.
Những ngày gần đây, chúng tôi đã có dịp được tham gia tuần tra, kiểm soát với hai lực lượng chính trong xử lý các phương tiện vận chuyển quá tải trên địa bàn là Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Tại km1+800, tuyến tỉnh lộ 269 (thị trấn Chùa Hang đi thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ), đoạn cầu Linh Nham, theo yêu cầu của tổ công tác thuộc lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông, Vận tải), 2 chủ xe ô tô vận tải quặng sắt cỡ lớn từ phía Trại Cau đi ra đã dừng lại để xuất trình giấy tờ, thủ tục liên quan.
Theo hoá đơn xuất hàng và phiếu cân xe thì hai xe nói trên đều chở số tải trọng hàng hoá trên 40 tấn mỗi xe, trong khi Giấy đăng ký xe của cả hai đều quy định tải trọng hàng hoá vận chuyển chỉ là 11 tấn mỗi xe. Như vậy, hai xe này đã vượt quá tải trọng hàng hoá cho phép khoảng 30 tấn mỗi xe, tức là vượt khoảng 300%.
Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông, Vận tải: Có thể xử lý được vấn đề chở quá tải nhưng chúng ta phải chấp nhận việc sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương. Bởi nếu cước vận tải cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá đầu vào của một số ngành hàng chủ đạo của tỉnh như thép, xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác. |
Thanh tra viên Đỗ Thanh Sơn, Tổ trưởng tổ công tác cho biết: Với những trường hợp này, chúng tôi lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký xe và yêu cầu lái xe hạ tải theo đúng quy định, đồng thời hẹn ngày xử lý tại Thanh tra Sở.
Tuyến ĐT 269 là tuyến tỉnh lộ trọng điểm về vận tải khoáng sản bởi đây là vùng mỏ sắt Trại Cau với nhiều doanh nghiệp khai khoáng hoạt động, trong đó lớn nhất phải kể đến là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trung bình mỗi ngày lượng xe ô tô tải trọng lớn lưu hành trên tuyến đường này có tới cả chục.
Tại Trạm kiểm soát khoáng sản của tỉnh đặt gần khu vực cầu Linh Nham, chúng tôi được cán bộ trạm cung cấp danh sách số xe vận tải khoáng sản qua trong ngày và được biết, hôm cao điểm có trên 40 đầu xe hoạt động với khoảng 2 lượt mỗi xe.
Theo cán bộ Thanh tra giao thông, anh Mã Anh Tú, người được giao phụ trách công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý giao thông trên tuyến đường này thì hầu như xe vận tải quặng cỡ lớn nào (xe tải từ 3 chân trở lên) qua đây cũng đều mắc lỗi quá tải.
Tại km85+200, tuyến Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn (đoạn thị trấn Giang Tiên - Phú Lương), tổ công tác của Đội Tuần tra, kiểm soát - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) do đại uý Đinh Xuân Tùng làm tổ trưởng, chỉ trong một buổi sáng ngoài xử lý các lỗi vi phạm khác còn xử lý cả chục trường hợp xe vận chuyển quá tải.
Theo đại uý Tùng thì đây mới chỉ là xử lý một chiều đường theo đúng quy định và không thể dừng hết các xe tải qua lại, nếu không thì con số sẽ còn nhiều hơn thế. Hơn nữa, nếu các xe vận tải của cùng một đơn vị đi thành đoàn thì khi một hai chiếc đầu bị dừng để xử lý, các xe còn lại sẽ quay đầu để tránh mặt ngay.
Trong các trường hợp xử lý, đáng chú ý nhất là của lái xe Ngô Tuấn Đạt điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 30X - 2292. Anh này đã không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe theo quy định, chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 30 tấn và chở quá khổ quy định. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ xe và hẹn ngày xử lý.
Qua đây, có thể nhận thấy tình trạng vi phạm về tải trọng của các phương tiện vận tải đang là phổ biến. Trên tất cả các tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3 và Quốc lộ 37 cùng một số tỉnh lộ 269, 263, đường nội thị… mật độ xe quá tải lưu hành là rất lớn.
Vậy, phải chăng lực lượng chức năng còn chưa làm hết trách nhiệm? Thực tế cho thấy, bất cứ một chủ phương tiện vận tải lớn nào cũng có suy nghĩ phải chuyên chở quá tải vì nếu đúng tải sẽ không có lãi hoặc chịu lỗ. Theo lý giải của các chủ dịch vụ vận tải thì do giá xăng dầu, cầu, đường và các phụ phí tăng quá cao trong khi giá cước vận tải còn khá thấp, không thể đủ bù chi phí được. Bởi vậy, để trụ được, bằng mọi giá các chủ vận tải phải chạy quá tải. Vì lỗi quá tải xử lý tương đối nặng nên khi bị lực lượng dừng xe kiểm tra, xử lý, các lái xe thường đóng chặt cửa, không xuất trình giấy tờ để gọi điện nhờ xin xỏ nhằm kéo dài thời gian.
Có nhiều trường hợp đã bỏ xe lại hoặc kéo người đến gây sự nếu không xin được (thường là đối với Thanh tra giao thông). Cá biệt, có trường hợp xe vi phạm bỏ chạy, nếu lực lượng chức năng đuổi được thì cũng mất nhiều thời gian và khá nguy hiểm. Một nguyên do nữa là bởi mật độ vận tải lớn trong khi lực lượng chức năng của chúng ta hiện còn rất mỏng, nên khó có thể xử lý hết được.
Thái Nguyên là một tỉnh đang phát triển mạnh về lĩnh vực công nghiệp nặng nên việc vận tải lưu thông thông thoáng là một trong những điều kiện quan trọng góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đã có thời điểm một số chủ doanh nghiệp có ý kiến trình tỉnh đề nghị hạn chế việc xử lý quá tải vì ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh…
Như vậy, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý các phương tiện vận chuyển quá tải trọng cho phép, song đây thực sự vẫn là vấn đề nan giải không dễ dàng giải quyết.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu về tình trạng vi phạm lỗi vận chuyển quá tải. Lỗi quá tải chiếm khoảng 60% trong tổng số lỗi vi phạm của xe tải và đều vượt quá tải trọng từ 30% trở lên. Lỗi thấp nhất bị phạt hành chính là 750 nghìn đồng, cao nhất là 2,5 triệu đồng và đều bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 2 tháng, đồng thời phải học và thi lại Luật Giao thông đường bộ. |