Những năm gần đây, hệ thống giao thông nông thôn tại xã Tân Long (Đồng Hỷ) đã được nâng cấp, làm mới tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp (DN) vào địa phương khai thác khoáng sản đã làm cho các tuyến đường liên thôn, liên xã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như đến tiêu chí giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Có mặt tại tuyến đường liên xã vào ngày cuối tuần, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục chiếc xe ô tô có tải trọng lớn chạy qua. Theo một số người dân, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Tuyến đường có chiều dài hơn 11km, chiều rộng mặt đường được trải nhựa 3m, nối liền với Quốc lộ 1B, đi qua xã Quang Sơn, vào trung tâm xã Tân Long được đưa vào sử dụng năm 2005 từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135. Tuy nhiên, khi các DN vào khai thác đá, quặng thì tuyến đường này bắt đầu xuống cấp nhanh chóng, vì xe chở quá trọng tải hoạt động liên tục. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt xe từ 30-40 tấn chạy qua, trong khi đó, biển báo tải trọng tối đa của tuyến đường chỉ là 13 tấn.
Ở nhiều đoạn, mặt đường bị bong tróc, tạo thành nhiều chỗ nhấp nhô, những ổ trâu chứa đầy nước, tạo thành những “cái bẫy” nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Bà Phạm Thị Quý, xóm Làng Mới, sống hơn 12 năm cạnh con đường bức xúc: "Trước đây, khi làm con đường liên xã này, tôi cũng như nhiều hộ dân trong xóm đã hiến đất để mở rộng đường với mong muốn đường thông thoáng, đi lại dễ dàng hơn, nhưng những năm qua, các hộ dân ở hai bên đường đã không được sống một ngày yên ổn. Sáng ngủ dậy đã nghe tiếng xe chạy rầm rầm. Ngày nắng thì bụi mù mịt, còn ngày mưa thì nước ứ đọng, đường nhầy nhụa bùn đất, khiến việc đi lại của người dân trở nên hết sức khó khăn”.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Long, hiện có 5 DN được cấp phép khai thác khoáng sản, tài nguyên trên địa bàn xã, trong đó có 1 DN khai thác kẽm, chì từ năm 1979; 4 DN khai thác đá từ năm 2005. Ngoài ra, 4 DN khác cũng đang làm thủ tục để khai thác đá. Đây là một con số rất đáng chú ý tại một địa phương chỉ có diện tích trên 4.113ha. Trước sự xuống cấp của các tuyến đường, chính quyền xã đã nhiều lần yêu cầu các DN khai thác trên địa bàn phải có trách nhiệm sửa chữa, nhưng các DN chỉ lấy đất, đá đổ vào những chỗ bùn lầy. Vì thế, chẳng mấy chốc, đất vừa lấp xuống lại bị bật lên càng thêm lầy lội.
Thiết nghĩ, với 1 xã giàu tài nguyên khoáng sản sản như Tân Long (với gần 3.513ha đất đồi, núi) thì để đảm bảo cho người dân đi lại được an toàn, thuận tiện, chính quyền các cấp cần có biện pháp can thiệp thoả đáng để yêu cầu các DN trên địa bàn sớm có biện pháp tu sửa kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, cũng như đảm bảo tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã sớm được hoàn thành.