Bất cập trong quản lý vùng sông giáp ranh

10:17, 06/06/2012

Sông Công bắt nguồn từ hồ Núi Cốc chảy qua địa phận T.X Sông Công và huyện Phổ Yên rồi hợp lại với sông Cầu Ngã ba sông thuộc xóm Mom Kiệu xã Thuận Thành (Phổ Yên). Hiện nay, đoạn sông Công (từ km2-km5) chảy qua xã Thuận Thành (Phổ Yên) và xã Trung Giã (Sóc Sơn- Hà Nội) đang bị xâm lấn nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến dòng chảy và gây mất ATGT đường thủy.

Lòng sông Công đang bị “nuốt” 

 

Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh có mặt tại bờ trái sông Công đoạn thuộc xóm Phù Lôi (Thuận Thành), chúng tôi quan sát thấy lòng sông Công vốn to rộng là thế giờ chỉ còn như một dòng kênh nhỏ, nhiều đoạn diện tích mặt nước chỉ đủ cho 1 con tàu lách qua. Bên bờ phải của sông đoạn thuộc xã Trung Giã (Sóc Sơn - Hà Nội) những đống cát lớn nhỏ được tập kết lấn xuống khu vực lòng sông cả chục mét, thậm chí có chỗ đến 20m. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Sỹ Hoài, Đội phó Đội CSGT đường sắt, đường thủy (Phòng CSGT- Công an tỉnh) cho biết: Đối với khu vực sông thuộc Thái Nguyên quản lý, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện khá nghiêm túc. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên của Đội CSGT đường thủy, hằng năm, tỉnh đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện việc quản lý các bến thuỷ được chặt chẽ đúng quy định. Bên cạnh việc nhắc nhở, tuyên truyền các quy định về ATGT đường thủy, điều kiện cần và đủ để mở bến cho nhân dân, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Ví dụ như tháng 1-2012, khi phát hiện gia đình chị Trần Thị Hoa, xóm Phú Thịnh (Thuận Thành  - Phổ Yên) xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, Đội CSGT đường thủy đã tiến hành lập biên bản sự việc, biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng (theo điểm A, khoản 8, Điều 7, Nghị định 60 của Chính phủ). Tuy nhiên, do là  vùng  giáp  ranh mỗi tỉnh có cách làm khác nhau nên công tác quản lý đoạn sông này gặp nhiều khó khăn. Trong khi Thái Nguyên làm mạnh, xiết chặt công tác quản lý thì ở bờ kia sông Công hoạt động vi phạm lấn chiếm lòng sông diễn ra công khai, các bến bãi mở ra san sát kể cả những nơi quanh co, cua khúc không đủ điều kiện mở, nhiều hộ dân còn làm kè lấn sông để tập kết cát, thậm chí san đất mở đường, kè bê tông ngay dưới lòng sông để vận chuyển (đoạn gầm cầu Đa Phúc). Rõ ràng, các hoạt động trên đã vi phạm hành lang luồng và bảo bảo vệ công trình cầu đường bộ nhưng vẫn không thấy địa phương bạn ngăn chặn, xử lý. Điều này khiến cho công tác xử lý vi phạm ở Thái Nguyên gặp khó khăn do nhiều người dân có bến không đủ điều kiện phải đình chỉ hoạt động luôn thắc mắc và cho rằng bất công bằng vì ở bên kia sông người dân của xã bạn vẫn hoạt động công khai, thậm chí xâm lấn xuống cả lòng sông mà không bị đình chỉ? Ông Vũ Tiến Dũng (chủ bến Dũng Tuyên) thuộc xóm Chùa, xã Thuận Thành phàn nàn: Bến của gia đình tôi cơ quan chức năng nói có luồng cung hẹp, độ dốc cao nên không đủ điều kiện mở bến phải đình chỉ hoạt động, sau nhiều lần đề nghị không được, tôi đành phải chuyển sang cho thuê làm trạm trộn bê tông cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (đơn vị đang thi công đường cao tốc Hà nội Thái Nguyên). Nhưng quả thật tôi thấy bất công bằng vì bên kia sông cũng khúc cong, hẹp, dốc mà họ vẫn hoạt động có sao đâu?

 

Cần sự phối hợp trong công tác quản lý

 

Hiện nay, bên bờ trái sông Công thuộc Thái Nguyên quản lý có 13 bến thủy đang hoạt động trên đoạn sông này. Do đó, nếu không làm tốt công tác phối hợp trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi đường sông sẽ gây thiệt hại không chỉ cho tỉnh mà cho chính các hộ dân. Tuy nhiên, việc phối hợp lại không thuận lợi khi mà địa phương bạn không mấy mặn mà với công tác này. Ông Hà Sỹ Hoài cho biết thêm: Vi phạm của địa phương bạn diễn ra nhiều năm, do đó, năm 2009, Đội CSGT đường thuỷ (Phòng SCGT Công an tỉnh) đã phối hợp với Đội CSGT Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức cuộc họp tại thôn sông Công, xã Trung Giã (Sóc Sơn) để nêu các tồn tại trong việc quản lý vùng sông giáp ranh và bàn biện pháp thực hiện. Qua cuộc họp, 2 bên đã thống nhất cam kết theo địa giới hành chính mỗi bên sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm để lập lại trật tự bến thủy, đường thủy nội địa. Tuy nhiên, sau cuộc họp này, tình trạng xâm lấn lòng sông nhất là vào mùa nước cạn vẫn diễn ra công khai ở địa phương bạn. Điều này nếu không được ngăn cản kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, quy luật lở, bồi của sông khi mùa nước lên.

 

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đang kiểm tra tại bờ trái sông Công đoạn thuộc xóm Phù Lôi (Thuận Thành - Phổ Yên)

 

Về vấn đề này ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi đã có sự trao đổi với Đoạn Quản lý đường sông số 4 (Cục Đường thuỷ Việt Nam) về công tác quản lý, nạo vét lòng sông đảm bảo ATGT đường thuỷ khu vực sông Công nhưng nhận được câu trả lời là chưa có kinh phí để duy tu, nạo vét sông. Về việc nhân dân địa phương bạn tái lấn chiếm lòng sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy, chúng tôi sẽ tiếp tục có kiến nghị gửi Sở GTVT Hà Nội, Đoạn Quản lý đường sông, Cục Đường thuỷ Việt Nam để có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo cho ATGT đường thuỷ trên sông.

 

Hiện nay, Cục Đường thuỷ cũng có Trạm Quản lý đường thuỷ nội địa đặt tại Đa Phúc - nơi mà hoạt động vi phạm lòng sông diễn ra công khai. Trao đổi với chúng tôi anh Nguyễn Văn Quảng, Trạm phó Trạm Quản lý đường thuỷ nội địa Đa Phúc cho biết: Trạm quản lý 21km thuộc sông Cầu và 19 km sông Công, hàng năm, Trạm đều có kế hoạch kiểm tra, cắm các biển báo để đảm bảo ATGT đường thuỷ. Tuy nhiên, công tác quản lý sông Công rất khó khăn, do đa số tàu, thuyền, bến thuỷ ở Trung Giã đều không có giấy phép hoạt động, nhận thức của nhân dân về ATGT đường thuỷ còn kém. Qua kiểm tra thấy vi phạm nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể lập biên bản rồi gửi về Cục Đường thuỷ vì Trạm không có chức năng xử lý vi phạm. Năm ngoái, Thanh tra Giao thông của Cục cũng đã về kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng do địa phương buông lỏng quản lý nên vi phạm lại diễn ra. Hiện nay, việc lấn chiến lòng sông của một số hộ dân ở Trung Giã lại tái diễn chúng tôi đã phát hiện, lập biên bản báo cáo về Cục nhưng phải đợi Thanh tra Giao thông của Cục và Đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương vào cuộc mới xử lý vi phạm được.”

 

 Như vậy có thể thấy việc quản lý vùng sông giáp danh đang tồn tại nhiều bất cập,  tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm. Nếu công tác này không được Cục Đường thuỷ Việt Nam quan tâm kịp thời sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong việc quản lý nguồn lợi đường sông và nhân dân cũng dễ bị “nhờn” luật. Do đó, một giải pháp quan trọng là tăng cường phối hợp đồng bộ giữa Cục Đường Thuỷ Việt Nam và các địa phương trong công tác quản lý và xử lý rứt điểm các vi phạm là việc cần  được quan tâm và làm ngay để đảm bảo ATGT trên tuyến đường sông này.

 

Nguyễn Văn Quảng, Trạm phó Trạm Quản lý đường thuỷ nội địa Đa Phúc: Việc các hộ dân vi phạm lấn chiếm lòng sông Công chúng tôi có biết nhưng cũng chỉ có thể lập biên bản ban đầu rồi gửi về Cục Đường thuỷ vì Trạm không có chức năng xử lý vi phạm.