Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng trong 10 năm tới châu Á cần đầu tư khoảng 8.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng phát triển khá tụt hậu đã trở thành nhân tố chủ yếu kìm hãm tăng trưởng kinh tế châu Á.
Ở Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ Jetstar thu hút rất nhiều hành khách, nhưng cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các hãng hàng không, năng lực vận chuyển hàng không cũng không ngừng tăng lên, sân bay ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều quá tải.
Tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila, thủ đô của Philippines, công trình hạ tầng không những lạc hậu cũ kỹ mà còn không có quy hoạch, giữa 3 nhà ga không có hệ thống xe đưa đón hoặc hệ thống băng di chuyển kết nối. Việc đi lại trong nhà ga do hành khách tự “đáp xe.”
Các nước Đông Nam Á khác như Campuchia và Indonesia cũng tồn tại bất cập như mật độ mạng lưới giao thông công cộng quá thấp. Tại Indonesia, xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường, cảng, công trình điện lực đều không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đứng trước vấn đề trên, phát biểu tại Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, Haruhiko Kuroda kêu gọi chính phủ các nước châu Á thông qua chính sách đầu tư giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, để thực hiện tăng trưởng trong khu vực.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, Triệu Hiểu Vũ cho biết khiếm khuyết lớn nhất hiện nay của châu Á là cơ sở hạ tầng, đây là sự kìm hãm nổi cộm nhất đối với phát triển kinh tế châu Á.
Theo ông Triệu Hiểu Vũ, lưu lượng vận chuyển người, hàng hóa qua đường bộ, bến cảng, sân bay, đường sắt, xuyên biên giới, dịch vụ lưu thông, vốn lưu động đều không thể tách rời cơ sở hạ tầng đồng bộ, vì vậy, châu Á hiện nay cần phải dốc sức phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông cho rằng rất nhiều nước châu Á đang tích cực xây dựng khu vực mậu dịch tự do nhưng lại coi nhẹ việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ hợp tác khu vực.
Hiện nay, xuất khẩu của các nước thị trường mới nổi châu Á xuất hiện đà sụt giảm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước là sự lựa chọn khá tốt. Đây là đầu tư phần cứng, đầu tư có thể thu được hiệu quả rất nhanh, có thể nhanh chóng thúc đẩy kinh tế khu vực. Nhưng xây dựng cơ sở hạ tầng phải cân nhắc vấn đề thị trường, đồng thời phải cân nhắc nhu cầu thực tế và nhu cầu lâu dài.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không mang tính thương mại rõ rệt, vì vậy cần dựa vào vốn viện trợ, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất của chính phủ. Hiện nay, vốn nước ngoài không thể đáp ứng được nhu cầu to lớn của các nước châu Á, chính phủ các nước cần huy động vốn theo phương thức từ nguồn dự toán ngân sách của mình, thông qua phát hành công trái. Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Xây dựng cơ sở hạ tầng ASEAN rõ ràng là một tín hiệu tích cực./.