Hiểm họa từ các bến đò ngang

07:56, 11/07/2012

Trên địa bàn huyện Phổ Yên có 2 con sông: Sông Cầu và sông Công chạy qua. Nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, giao lưu với các huyện: Phú Bình, Hiệp Hòa (Bắc Giang), Sóc Sơn (Hà Nội) bằng đường thủy, bà con nhân dân trong huyện đã mở nhiều tuyến đò ngang. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các tuyến đò thiếu đăng ký, đăng kiểm và chứng chỉ chuyên môn của chủ đò; thiếu biển báo và nội quy bến đò… và cả chủ lẫn khách đều ít ai quan tâm đến việc mặc phao cứu sinh để đảm bảo an toàn mỗi khi qua sông.

Có mặt tại bến đò Thù Lâm thuộc địa phận xã Tiên Phong (Phổ Yên) giáp ranh với xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) khoảng 30 phút, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều người qua lại. Mỗi người đi qua phải trả 5 nghìn đồng/lượt. Chị Nguyễn Thị Anh, người canh gác và thu tiền đò trú tại thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong cho biết: 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã lắp ghép 7 con đò lại trở thành 1 cây cầu phao để bà con đi lại thuận tiện hơn. Cầu thường đông khách nhất vào buổi sáng sớm lúc bà con đi chợ và buổi trưa khi chợ tan. Mỗi khi vắng khách, chị Anh cùng 1 chị nữa ở xã Thái Sơn lại hì hục lấy chậu tát nước từ “cầu phao” ra sông. Còn hành khách sang sông đều muốn qua cho nhanh nên cứ ào ào phóng xe trên chiếc cầu phao bấp bênh.

 

Anh Nguyễn Văn Đỗ, ở xóm Đan Hà 3, xã Thành Công (Phổ Yên) lo ngại: Tôi làm nghề buôn bán nên ngày nào cũng phải đi qua đây. Dù cảm thấy không yên tâm vì trên cầu ván kê tấm thò tấm thụt, chở hàng hóa nặng rất khó đi và cảm thấy mất an toàn nhưng tôi vẫn phải qua vì không còn con đường nào khác.

 

Theo quan sát của chúng tôi, mảnh ghép giữa các đò là những thanh sắt, mấu nối thường được ghép bằng tay, không đảm bảo chắc chắn. Ông Nguyễn Xuân Bính, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phổ Yên cho biết: Việc lắp ghép các đò thành cầu phao như vậy là sai và rất nguy hiểm. Theo quy định, hoạt động của đò ngang là để chuyên chở chứ không thể dùng làm cầu được. Bởi vì kết cấu cầu phao phải được cơ quan chức năng kiểm định và cho phép hoạt động. Việc người dân tự ý ghép nối như vậy có thể gây đứt nối, nguy cơ mất an toàn và còn làm ảnh hưởng đến việc đi lại của các tàu thuyền trên sông.

 

Còn tại bến đò Chã, xã Đông Cao cũng thiếu biển báo bến đò và nội quy của bến. Có một số phao cứu sinh đã bị hết hơi, những chiếc có thể sử dụng được lại bị xếp ở 1 góc khuất. Khi được hỏi, ông Mai Văn Hợi, Chủ đò cũng rất chủ quan: Tại bến đò này chưa bao giờ xảy ra tai nạn sông nước nên chúng tôi cũng ít khi sử dụng áo phao?!.

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, trên các bến đò và đò của huyện Phổ Yên còn một số tồn tại. Về thủ tục giấy tờ, đò Bến Cả, xã Tân Phú thiếu đăng ký, đăng kiểm đò và chứng chỉ chuyên môn của chủ đò, chưa có hợp đồng với UBND xã nhưng vẫn chuyên chở khách qua sông. Đò Bến Lợi, xã tân Phú đăng kiểm đã hết hạn từ tháng 6 năm 2011 nhưng vẫn hoạt động bình thường. Hầu hết các đò đều thiếu biển báo và nội quy của bến. Về trang thiết bị an toàn, đò Nguyễn Hậu, xã Tiên Phong và đò Bến Cả, xã Tân Phú đều thiếu mái chèo, mỏ neo, xích neo và phao cứu sinh. Các bến đò khác cũng không đủ phao cứu sinh. Và tình trạng người qua đò không mặc áo phao là phổ biến. Như vậy, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão, nước trên các con sông thường lớn.

 

Trước thực trạng hoạt động của các bến đò ngang gây nguy mất an toàn giao thông đường thủy,UBND huyện Phổ Yên đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra một số bến đò tại các xã: Minh Đức, Tiên Phong, Tân Phú, Đông Cao. Đồng thời, ra văn bản chỉ đạo các địa phương có hoạt động của các bến đò ngang cần yêu cầu chủ đò trang bị đầy đủ biển báo, nội quy và các phương tiện an toàn mới được đưa vào sử dụng. Trường hợp chủ đò nào không chấp hành, UBND các xã có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Riêng đối với bến đò Thù Lâm, huyện đã yêu cầu đình chỉ việc ghép đò lại thành cầu phao, tuy nhiên đến thời điểm đầu tháng 7 chúng tôi đi thực tế vẫn thấy tình trạng này xảy ra.

 

Thiết nghĩ, UBND huyện Phổ Yên và cơ quan chức năng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các bến đò này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.