Giảm tai nạn giao thông: Cần các giải pháp quyết liệt và đồng bộ

10:34, 14/11/2012

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm ít nhất có 1,2 triệu người chết và khoảng 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm chỉ riêng TNGT đường bộ đã cướp đi mạng sống của hơn 14.000 người và làm hơn 140.000 người bị thương.

 

Chuyển biến nhưng chưa vững chắc

 

Hiểm họa TNGT vẫn luôn rình rập, tiềm ẩn. Đó là cảm nhận của các phóng viên khi được Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tổ chức đi khảo sát thực tế trên các tuyến giao thông huyết mạch về Hà Nội. Hậu quả mà TNGT gây ra mỗi năm là vô cùng lớn. Mỗi người bị chết, bị thương hoặc bị tàn tật do TNGT đều tác động mạnh mẽ, dai dẳng đến gia đình và xã hội. Ở nước ta, hàng vạn người đang phải đối mặt với cái chết hoặc sự tàn phế của các thành viên trong gia đình do TNGT. Bởi vậy, nhằm giảm thiểu TNGT, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, giảm gánh nặng cho xã hội, Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể, các địa phương đã tiến hành nhiều chủ trương, giải pháp và đã đạt được những kết quả nhất định.

 

Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) cho biết, mỗi năm Việt Nam có hơn 11 nghìn người tử vong vì TNGT... Riêng trong 9 tháng của năm 2012, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 23.600 vụ TNGT, làm gần 7000 người thiệt mạng và hơn 25.000 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011 số vụ TNGT 9 tháng năm 2012 đã giảm 9.360 vụ (28,3%), số người chết giảm 1.480 người (17,61%) và số người bị thương giảm 10.635 người (29,8%)... Mặc dù tình hình TNGT 9 tháng của năm 2012 có chuyển biến rõ nét, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, đó chỉ là sự chuyển biến bước đầu và chưa vững chắc.

 

Người điều khiển mô tô, xe gắn máy gây tai nạn nhiều nhất

 

Kết quả phân tích từ vụ TNGT đường bộ trong 9 tháng đầu năm 2012 của các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban ATGTQG cho thấy nguyên nhân gây ra TNGT có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông chấp hành không nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Hành vi vi phạm chủ yếu dẫn đến TNGT là: Đi không đúng phần đường, làn đường (chiếm 31%); tránh vượt sai quy định (chiếm 12%); chạy quá tốc độ (chiếm 10,6%)...

 

Riêng về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, quan sát hoạt động tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng trên các tuyến Quốc lộ 1A; Quốc lộ 2; Quốc lộ 5... chúng tôi nhận thấy, hiện nay, chỉ khi nào xảy ra hành vi vi phạm giao thông thì lực lượng Cảnh sát giao thông mới thực hiện đo nồng độ cồn qua đường thở nên tỷ lệ người tham gia giao thông uống rượu, bia phát hiện được chỉ là con số khá nhỏ. Nhưng theo khảo sát của Ủy ban ATGTQG thì có đến hơn 40% số vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia… Cũng theo phân tích từ vụ TNGT đường bộ trong 9 tháng đầu năm 2012 của các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban ATGTQG cho thấy đối tượng gây tai nạn chủ yếu là lái xe mô tô, xe gắn máy (chiếm 78,5%); lái xe ô tô chiếm 16,7%...

 

Tuân thủ pháp luật để tự bảo vệ mình và cộng đồng

 

Đề cập đến các biện pháp “giảm nhiệt” TNGT, hầu hết các cơ quan quản lý cho rằng phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, phạt thật nặng các lỗi vi phạm nhằm phòng ngừa và mang tính răn đe. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, để khắc phục một số bất cập trong chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, ngày 19-9-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tại Nghị định này đã bổ sung một số hành vi, chế tài xử lý đối với các hành vi, vi phạm nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông... Cũng theo quy định của Nghị định này, mức xử phạt sẽ tăng từ 1,5 đến 3 lần đối với những lỗi nghiêm trọng và các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông. Đặc biệt hành vi uống rượu, bia điều khiển ô tô có mức cao nhất lên đến 15 triệu đồng/lần vi phạm. Ngoài ra, một số hình phạt cũng được bổ sung mới như: Tăng thời gian tạm giữ phương tiện, tạm giữ bằng lái xe, tước bằng lái xe… Dư luận cho rằng, chế tài xử phạt theo quy định mới đã đủ sức phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm.

 

Chúng tôi đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG, muốn làm chuyển biến tình hình TNGT cần phải tiến hành kiên quyết và đồng bộ nhiều giải pháp, việc tăng chế tài xử phạt là cần thiết nhưng mấu chốt của vấn đề vẫn là phải nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh TNGT. Đặc biệt năm 2012 chúng ta đang phấn đấu thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội là giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn giao thông. Đây cũng là năm đầu tiên Ủy ban ATGTQG phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát động và tổ chức các hoạt động hướng tới “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” vào ngày 19-11-2012. Để làm tốt công việc này, công tác tuyên truyền, giáo dục phải hướng vào cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa TNGT; những gánh nặng mà TNGT gây ra cho các gia đình và xã hội; những nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT tại Việt Nam để chủ động phòng tránh...

 

Với vai trò là Đại sứ thiện chí về ATGT, trao đổi với báo chí, Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo cho rằng, yếu tố quyết định để giảm TNGT vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Từ suy nghĩ đó, Hoa hậu Đặng Thu Thảo kêu gọi: “…Mọi người hãy tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông để tự bảo vệ mình và bảo đảm an toàn cho cộng đồng…”.