Hà Nội: Lại “nóng” nỗi lo ùn tắc giao thông cuối năm

17:05, 28/11/2012

Hà Nội đã không ít lần triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh giảm thiểu nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên địa bàn như việc: xây dựng hàng loạt điểm cây cầu vượt nhẹ, lắp đặt hệ thống dải phân cách, đổi giờ học – giờ làm v.v.., thế nhưng nhìn vào thực tế thì tình hình ùn ứ, ách tắc giao thông đến nay vẫn “nóng” nhất là vào những tháng cuối năm. Bài toán về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố chưa thực sự được giải đáp.

So với trước đây, dù nhiều điểm nút giao thông đã được cải thiện tình trạng ách tắc, thế nhưng để giải quyết cơ bản vấn nạn này, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm thì thành phố còn nhiều việc phải làm.

 

Bức xúc vì giao thông “nghẽn”

 

Câu chuyện về ùn ứ, ách tắc giao thông đã được các cơ quan thông tấn, báo chí nhiều lần đề cập đến. Và thành phố cũng đã không ít lần triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh giảm thiểu nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên địa bàn như việc: cho xây dựng hàng loạt điểm cây cầu vượt nhẹ, lắp đặt hệ thống dải phân cách, đổi giờ học – giờ làm v.v.., thế nhưng nhìn vào thực tế thì tình hình ùn ứ, ách tắc giao thông đến nay vẫn “nóng” nhất là vào những tháng cuối năm. Bài toán về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố chưa thực sự được giải đáp.

 

Chỉ cần dạo quanh một lượt qua các tuyến đường trong khu vực nội thành Hà Nội nhất là vào thời điểm hiện nay như: Nguyễn Trãi, Thụy Khuê, Đê La Thành, Bưởi, Đội Cấn, Trường Chinh… dễ dàng “nhức mắt” vì cảnh giao thông “nghẽn” vào giờ cao điểm. Tại đường Thụy Khuê – đoạn gần Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ), cuối giờ chiều ngày thứ sáu, chúng tôi chứng kiến hình ảnh các cán bộ chiến sĩ CSGT đang túc trực tại nơi đây luôn phải căng mình ra điều tiết để dòng phương tiện được thông thoát. Dù đã có lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, thế nhưng do lưu lượng phương tiện dày đặc trong khi đường chật, cộng với sự thiếu ý thức của một số chủ phương tiện nên các phương tiện vẫn phải nhích dần từng mét.

 

Anh Đức Minh, nhà ở đường Lạc Long Quân không khỏi bức xúc khi nhắc tới điểm nút giao thông – đoạn gần ngõ 128 Thụy Khuê thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm từ 16h30 - 18h30 khi học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An tan lớp.

 

Không chỉ vào giờ cao điểm, nhiều tuyến phố hiện vẫn xuất hiện tình trạng ùn ứ ngay cả vào thời điểm được cho là thông thoáng nhất 9h - 10h30 hàng ngày. Đơn cử như đường Đê La Thành. Trên tuyến phố này vào 9h ngày 20-11, chúng tôi đã mất gần 20 phút mới lưu thông hết đoạn đường từ cây xăng 179 Đê La Thành đến Ô Chợ Dừa. Tiếng còi inh ỏi cùng khói xăng xe nhả ra đường khiến mọi người ai cũng cảm thấy bức xúc bởi hai chữ… ùn tắc.

 

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 67 điểm ùn tắc. Số điểm ùn tắc này càng “nóng” hơn khi vào thời điểm cuối năm.

 

Nâng cao ý thức người dân, tiền đề không thể thiếu

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), hiện đơn vị này quản lý khoảng 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459 ngàn ôtô và hơn 4,4 triệu môtô, xe máy. Con số này chưa kể đến số phương tiện từ các tỉnh, thành lân cận đổ về thành phố. Đây đang là một thực tế cho thấy, cùng với việc gia tăng lưu lượng phương tiện như hiện nay, nguy cơ ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường nhất là dịp cuối năm là điều khó tránh khỏi.

 

Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), do mang đặc điểm dòng xe hỗn hợp lưu thông trên đường nên chỉ cần một vài chủ phương tiện thiếu ý thức trong quá trình tham gia giao thông, tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông chắc chắn sẽ xảy ra.

 

Trung tá Đức cho hay, mặc dù so với thời điểm trước đây, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Ba Đình, Tây Hồ đã giảm, song Đội CSGT số 2 hiện vẫn luôn phải căng mình ra 6 địa điểm có nguy cơ ùn ứ giao thông cao vào giờ cao điểm (sáng từ 7h - 8h30 và chiều từ 16h30 - 18h30) đó là: khu vực 128 Thụy Khuê, điểm giao cắt Đào Tấn – Bưởi, khu vực Bệnh viện Nhi Trung ương – Đê La Thành v.v.. Những điểm nút giao thông này, vốn dĩ cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thêm vào đó, nhiều chủ phương tiện vẫn còn “phớt lờ” quy định, lấn trái làn đường, quay đầu xe không đúng quy định… nên tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông xảy ra là điều khó tránh khỏi.

 

Đúng vậy, khi ghi nhận trên đường Hoàng Quốc Việt vào sáng 23/11, chúng tôi được hay, dù tuyến đường này vốn rộng rãi, ít ách tắc, thế nhưng vào thời điểm trên, chỉ vì sự thiếu ý thức của một tài xế xe tải dừng giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ đã khiến cả trục đường này bỗng chốc bị ùn ứ kéo dài. 

 

Đánh giá về vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cũng cho rằng, thời gian qua, bằng sự quyết tâm của lực lượng CSGT CATP, phối hợp với các ban, ngành chức năng trong công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn trong điều kiện phương tiện giao thông gia tăng và cơ sở hạ tầng thì đang hoàn thiện, đến nay số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn đã giảm xuống còn 67 điểm (so với năm 2010 với 124 điểm; 2011 với 79 điểm), song, để giảm thiểu hơn nữa số điểm ùn tắc cục bộ, gây bức xúc dư luận, tới đây bên cạnh việc cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ hơn nữa. Có như vậy, bài toán chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô mới thực sự có được lời giải.