Kiên quyết xử lý xe ô tô, xe mô tô và phương tiện giống như ô tô không sang tên, đổi chủ khi mua, bán

11:43, 15/11/2012

Từ ngày 10/11 đến nay, người dân trong tỉnh xôn xao bàn tán việc lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm với lỗi không sang tên, đổi chủ khi mua, bán xe ô tô, xe mô tô và các phương tiện giống như xe ô tô trong thời hạn 30 ngày theo quy định của Nghị định 71 là chưa phù hợp, còn nhiều vướng mắc. Phóng viên báo Thái Nguyên đã phỏng vấn Thượng tá Trần Anh Đức, Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) về vấn đề này…

 

P.V: Dư luận cho rằng việc xử lý đối với lỗi không sang tên, đổi chủ khi mua, bán xe ô tô, xe mô tô và phương tiện giống như xe ô tô trong thời điểm hiện tại là gấp gáp, người dân chưa được tuyên truyền, có tinh thần chuẩn bị. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

 

Thượng tá Trần Anh Đức: Nhận thức như vậy là rất sai lầm vì không phải bây giờ Chính phủ mới quy định về xử lý lỗi không sang tên, đổi chủ khi mua bán xe ô tô, xe mô tô và phương tiện giống như xe ô tô trong thời hạn 30 ngày mà từ năm 1995 đã có văn bản quy định xử phạt đối với lỗi này. Do vậy, trong vòng 17 năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý nhiều trường hợp không thực hiện sang tên, đổi chủ khi mua bán xe ô tô, xe mô tô và phương tiện giống như ô tô. Điều mới trong Nghị định 71 của Chính phủ chính là nâng mức xử phạt với lỗi không sang tên, đổi chủ khi mua, bán phương tiện lên từ 600 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/lần vi phạm đối với xe mô tô, từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/lần vi phạm đối với ô tô để răn đe, nâng cao ý thức của nhân dân khi tham gia giao thông. Cùng đó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra tai nạn giao thông, các vụ án hình sự có sử dụng xe ô tô, xe mô tô trong quá trình gây án…

 

P.V: Làm thế nào để lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện được người tham gia giao thông đang lưu hành xe ô tô, xe mô tô chưa sang tên đổi chủ với xe mượn, xe thuê?

 

Thượng tá Trần Anh Đức: Tôi khẳng định Nghị định 71 không quy định việc xử phạt đối với trường hợp người tham gia giao thông sử dụng xe mượn hoặc xe thuê có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Riêng với trường hợp sử dụng phương tiện không sang tên đổi chủ, cán bộ khi kiểm tra sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh tại chỗ như: Đối chiếu họ tên người đăng ký phương tiện với người đang sử dụng phương tiện; liên lạc trực tiếp với công an nơi người sử dụng phương tiện đang thường trú, tạm trú để làm rõ thông tin; đối chiếu hồ sơ thanh lý đối với xe công đã bán cho tư nhân… Khi đủ cơ sở chứng minh người dân sử dụng xe ô tô, xe môt tô và các phương tiện như ô tô đã mua, bán mà chưa sang tên, đổi chủ, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi thấy việc xác minh làm rõ phương tiện chưa sang tên đổi chủ khi mua, bán với xe mượn, xe cho thuê là rất khó và khi chưa xác minh rõ thì không xử phạt.

 

P.V: Theo ông nguyên nhân nào dẫn tới việc nhiều người dân khi mua, bán xe ô tô, xe mô tô và phương tiện giống như ô tô không tiến hành sang tên, đổi chủ?

 

Thượng tá Trần Anh Đức: Đa phần người dân chưa nhận thức rõ quyền định đoạt, sở hữu tài sản nên khi mua bán xe ô tô, xe mô tô và các phương tiện cơ giới khác chỉ làm hợp đồng viết tay (trong tổng số 494.042 xe mô tô có hồ sơ quản lý mới có 7.318 xe thực hiện sang tên, đổi chủ khi mua bán lại; 3.738/28.471 xe ô tô có hồ sơ quản lý thực hiện sang tên, đổi chủ khi mua bán lại). Cùng đó là thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định tại khoản 3, Điều 20, Thông tư số 36 ngày 12/10/2010 của Bộ Công an yêu cầu phải có chứng từ mua bán và đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định trong khi người dân lại quản lý giấy tờ gốc không cẩn thận, để thất lạc nên vướng khi làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Thêm một vấn đề nữa là lệ phí đối với việc sang tên, đổi chủ phương tiện khi mua, bán lại ở mức 10% đến 15% giá trị phương tiện là quá cao nên đa phần người dân không muốn bỏ ra khoản chi phí này.

 

P.V: Theo ông, có  biện pháp gì để khắc phục những hạn chế trên?

 

Thượng tá Trần Anh Đức: Điều quan trọng là cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức về quyền định đoạt, sở hữu tài sản để người dân chấp hành việc sang tên đổi chủ khi mua, bán xe ô tô, xe mô tô và các phương tiện giống như ô tô. Trong đợt tập huấn triển khai Nghị định 71 sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng Trung ương xem xét giảm thiểu thủ tục sang tên đổi chủ khi người dân mua, bán lại xe ô tô, xe mô tô và các phương tiện giống như ô tô; đề nghị giảm lệ phí trước bạ đối việc mua, bán lại phương tiện xuống ở mức 1%.

 

P.V: Xin cảm ơn ông đã cho bạn đọc biết những thông tin trên!