Thứ 2, 27/01/2025, 19:56

Xây dựng Văn hóa giao thông đâu là cốt lõi?

15:17, 23/11/2012

Nhận thức về văn hóa giao thông (VHGT) trong xã hội hiện nay còn chưa thực sự chính xác, dường như chỉ tập trung vào ý thức văn hóa, tinh thần chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông mà chưa quan niệm đầy đủ các thành tố tạo nên văn hóa giao thông cũng như mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố đó. Từ quan điểm lệch lạc đó dẫn đến các nội dung xây dựng VHGT cũng chỉ nhằm vào vận động mọi người chấp hành tốt luật giao thông và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc xây dựng văn hóa giao thông chậm tiến triển, thiếu đột phá.

 

Hiểu đúng về văn hóa giao thông

 

Nói đến VHGT là nói đến cái phải, cái đẹp, cái thiện của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông và trong tham gia giao thông. Văn hóa giao thông vừa là động lực, vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện.

 

Văn hóa giao thông bao gồm cả hai mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất bao gồm các hạ tầng kỹ thuật giao thông (các loại đường giao thông, hệ thống chỉ dẫn giao thông), phương tiện giao thông, thiết bị diều hành giao thông. Văn hóa tinh thần bao gồm luật giao thông, cách thực thi luật giao thông, hành vi tham gia giao thông, trách nhiệm và tâm lý tham gia giao thông…

 

Khi bàn về văn hóa giao thông, lâu nay chúng ta thường chủ yếu nói đến yếu tố, ý thức, tinh thần mà cũng chỉ tập trung đến những yêu cầu, chuẩn mực văn hóa đối với những người trực tiếp tham gia giao thông. Muốn hiểu đúng về VHGT cần nhận thức về văn hóa giao thông với các mặt, các đối tượng các cấp độ. Văn hóa giao thông không chỉ là văn hóa vận hành giao thông mà còn là văn hóa pháp luật giao thông, văn hóa quy hoạch giao thông, văn hóa quản lý, quan trị giao thông.

 

Nguyên nhân của sự chậm tiến về VHGT

 

Những sai lầm bất cập trong ý thức văn hóa của những người quy hoạch, xây dựng, quản lý giao thông là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến chậm của VHGT, sự hỗn độn ùn tắc và tai nạn giao thông ngày một tăng. Đơn cử ở Thủ đô Hà Nội chính vì sự phát triển nóng của đô thị mà không có một chiến lược, một quy hoạch phát triển giao thông phù hợp, khoa học đi cùng hoặc đi trước một bước. Trong quy hoạch phát triển giao thông, người ta lại chỉ chú ý đến giao thông động, xem nhẹ giao thông tĩnh dẫn tới sự bị động, quá tải, hỗn độn bất khả kháng của trật tự ATGT.

 

Biện pháp phân làn giao thông chưa mang lại hiệu quả như kì vọng.

 

Minh chứng cho nó là nhiều công trình giao thông động vừa được hoàn thành đã nảy sinh bất cập, thậm chí trở nên lạc hậu. Hay như các giải pháp gỡ rối ùn tắc giao thông mới được triển khai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ là giải pháp tình thế đối phó, không những không thể vãn hồi được trật tự ATGT mà còn làm rối loạn thêm, gỡ được ùn tắc ở nơi này lại gây ra ùn tắc ở nơi khác. Có thể chỉ ra như: việc bịt các ngã tư, phân làn xe một cách duy ý chí, vội vã dẹp bỏ các điểm đỗ xe mà không tính đến các điểm thay thế...

 

Sự thiển cận, thực dụng, cũ kỹ trong tư duy cũng như thiếu khoa học dự báo của các nhà quy hoạch đô thị đã làm cho các thành phố này phát triển mất cân đối, lệch lạc, méo mó, bế tắc nghiêm trọng về hạ tầng công cộng, công viên cây xanh, cấp thoát nước, hệ thống giao thông.

 

Vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông gắn bó trực tiếp và mật thiết với việc xây dựng văn hóa quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.  Không thể tách rời việc xây dựng văn hóa giao thông với sự nghiệp chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Xây dựng VHGT như thế nào?

 

Về vấn đề xây dựng VHGT GS Hoàng Chương cho rằng: Chúng ta cần xây dựng các định hướng lớn trong xây dựng văn hóa giao thông như: Phát huy mạnh mẽ những nét đẹp của truyền thống văn hóa, văn hiến dân tộc.Tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo các giá trị văn hóa văn minh nhân loại.Kết hợp hài hòa nhuần nhị giữa tuyên truyền giáo dục và trừng phạt. Thực hiện theo các tiêu chí chung, theo từng nhóm đối tượng.

 

Cụ thể, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và các chính sách về giao thông vừa giải quyết được những vấn nạn trước mắt vừa có tinh chất ổn định lâu dài; Thực hiện việc quy hoạch và hình thành một hệ thống công trình giao thông tiên tiến, chất lượng cao, có tính văn hóa cao; Xây dựng một đội ngũ thực thi pháp luật chính sách về giao thông và ATGT vừa có chuyên môn cao vừa có nhân cách đạo đức tốt, có trách nhiệm cao; Làm cho cộng đồng xã hội hiểu biết đầy đủ và tự nguyện tự giác chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 

Riêng đối với những người sử dụng hệ thống công trình, phương tiện giao thông và tham gia giao thông.Đây là nhóm đông đảo nhất trong xã hội phải đảm bảo không sử dụng công trình giao thông và phương tiện giao thông sai mục đích, chức năng vì những tiện lợi của riêng mình; Luôn kiểm tra chất lượng và an toàn của phương tiện giao thông do mình sử dụng; Tự nguyện tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong mọi trường hợp; Luôn bình tĩnh, kiên nhẫn, hòa nhã, vui vẻ, chủ động nhường nhịn lẫn nhau khi gặp ùn tắc, sự cố trong giao thông; Luôn quan tâm giúp đỡ người khác nhất là phụ nũ, trẻ em, cụ già khi tham gia giao thông.