Đi tàu hỏa Tây, ngẫm tàu hỏa ta

15:54, 28/12/2012

Cứ mỗi dịp Tết đến, chuyện mua vé tàu lại trở thành đề tài nóng. Nhiều người xếp hàng cả buổi cũng chưa mua được vé dù "nhà tàu" đã bán vé trước Tết khoảng 2 tháng với nhiều hình thức. Chợt nhớ đã lâu lắm tôi không đi tàu hỏa mà lần gần nhất là tôi đi tàu ở Tây. Bất kỳ ai đã đi tàu hỏa Tây ngẫm đến tàu hỏa ta chắc không khỏi chạnh lòng.

Mấy năm trước, tôi sang Thủ đô Copenhagen, Đan Mạch dự lớp tập huấn một tuần. Thời gian không dài mà tôi vẫn "chu du" được nhiều nơi, phần vì tôi sang đúng vào dịp hè, đến 9h tối vẫn còn nắng, phần vì ở đó có hệ thống giao thông công cộng trong đó có tàu điện ngầm thuộc hàng “thượng đẳng”, từng được Tạp chí Business Insider từng đánh giá hệ là 1 trong 14 hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới.

 

Nhân viên soát vé "thất nghiệp"

 

Quả thật, bất cứ ai đến Copenhagen cũng sẽ ngạc nhiên vì một thành phố vỏn vẹn có 1,1 triệu dân mà lại có một hệ thống giao thông công cộng hiện đại đến vậy. Hệ thống tàu điện ngầm chạy suốt từ phía Đông thành phố, kết nối Norreport với Kongens Nytorv và Christianshavns Torv, vươn ra đến sân bay Scandinavia, hoạt động 24/24h, mỗi chuyến chỉ cách nhau khoảng 3 - 5 phút. Hệ thống tàu hỏa S-train có 11 tuyến đi qua Nhà ga Trung tâm. Nhà ga này là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, được xây dựng theo phong cách Thế kỷ 19, có dịch vụ bưu điện, đổi tiền, siêu thị... rất tiện lợi. Từ đây, tôi đã bắt chuyến tàu qua chiếc cầu vượt biển thuộc loại dài nhất thế giới để sang thăm Malmo - Thụy Điển.

 

Ở Thủ đô Đan Mạch, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy cảnh người dân xếp hàng mua vé tàu như ở Việt Nam những ngày giáp Tết này bởi các điểm bán vé rất thuận lợi đặt ngay tại các nhà ga. Vé có nhiều loại: vé đơn cho chuyến đi 1 giờ và miễn phí cho trẻ em dưới 12 tuổi đi kèm cùng người lớn; vé dùng nhiều lần; có cả loại vé dùng chung cho cả xe điện ngầm, xe buýt và S-train, mỗi vé đi 1 giờ và đi 3 loại phương tiện.

 

Điều đặc biệt là trong suốt thời gian "tung hoành" hầu hết các nhà ga tại Copenhagen, tôi chưa bao giờ thấy bóng dáng một nhân viên soát vé. Với chiếc vé dùng nhiều lần cho cả tàu hỏa và tàu điện ngầm, trước khi lên tàu, tôi chỉ cần đưa vé vào máy đóng dấu màu vàng (trông giống như cái thùng thư bưu điện của ta) gắn trên tường hoặc tại một cái cột nào đó, máy sẽ dập một dòng trên vé thể hiện ngày giờ lên tàu, thế là đủ!

 

Dễ dàng chuyển đổi phương tiện

 

Trên các toa tàu, ngoài những hàng ghế tiện nghi còn có những giá đỡ xe đạp - một phương tiện giao thông được sử dụng rất phổ biến ở Copenhagen. Các nhà ga tàu S-train đều có thang máy vận chuyển xe đạp và có những bãi để xe đạp để người dân dễ dàng chuyển đổi phương tiện di chuyển.

 

Chỉ với một tấm bản đồ trên tay, bất cứ ai đến Copenhagen đều có thể sử dụng sự tiện nghi của hệ thống tàu hỏa và tàu điện ngầm để khám phá thành phố bởi các ga tàu chỉ cách nhau khoảng 1km, dễ dàng kết nối với những phương tiện công cộng khác.

 

Nếu so sánh việc đi lại bằng tàu hỏa ở Đan Mạch với tàu hỏa Việt Nam thì quả là khập khiễng. Dù biết rằng, phải mất nhiều năm nữa, hệ thống giao thông công cộng ở ta mới đạt tới “đẳng cấp” như ở Copenhagen nhưng tôi cũng hy vọng, tương lai không xa, ý thức tham gia giao thông của bà con ta sẽ đạt đến trình độ tự giác cao để có thể “thất nghiệp hóa” đội ngũ nhân viên soát vé... Mong rằng, tất cả những “con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui” mang những số hiệu quen thuộc bắt đầu bằng chữ S của ngành Đường sắt sẽ đưa những người con xa nhà trở về với vòng tay ấm áp của gia đình, để được cùng góp mặt trong bữa cơm tất niên đầm ấm khi Tết đến Xuân về.