Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề hiện đang được các quốc gia trên toàn thế giới quan tâm giải quyết và là nguyên nhân hàng đầu trong nguyên nhân tai nạn thương tích. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên toàn thế giới có ít nhất 1,2 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT đường bộ (WHO 2008). TNGT là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Tại Việt Nam, mỗi năm TNGT đã cướp đi khoảng hơn 10.000 người và làm trên 12.000 người khác bị thương. TNGT còn là tác nhân làm giảm hiệu quả giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước và chất lượng cuộc sống.
TNGT ở nước ta hiện nay được ví như một căn bệnh nan y. Song, “nan y” cũng không có nghĩa là đã phải bó tay cho dù “chữa trị” không hề đơn giản. Cần phải xác định đối tượng trọng tâm để chữa trị căn bệnh này chính là con người và điểm mấu chốt là ý thức. Từ đó, đưa ra những biện pháp “chữa trị” vừa bao quát được cả diện rộng lẫn chiều sâu, hài hòa giữa biện pháp lâu dài với những giải pháp trước mắt. Một trong những biện pháp tạo được hiệu quả nhanh nhất, đó là tuyên truyền văn hóa giao thông đến với cộng đồng.
Giới trẻ là trọng tâm
Phải khẳng định ngay lực lượng tham gia giao thông đông đảo nhất chính là giới trẻ. Nhìn lại từ các vụ TNGT thời gian qua chúng ta đều thấy rõ đối tượng gây tai nạn và nạn nhân TNGT là giới trẻ chiếm tỷ lệ rất cao (độ tuổi từ 18 đến 30). Bên cạnh đó, bộ phận thiếu ý thức khi tham gia giao thông chiếm số lượng đông đảo nhất cũng chính là giới trẻ.
Để hạn chế việc vi phạm khi tham gia giao thông trong thanh, thiếu niên, cần áp dụng nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Về giải pháp chiều sâu, cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức về văn hóa giao thông ngay từ nhỏ, từ chính trong mỗi gia đình tới nhà trường. Bên cạnh đó, cần luật hóa các hình thức xử phạt, nâng thật cao mức phạt tương ứng với mỗi hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Tức là một mặt vừa vận động tuyên truyền, giáo dục; một mặt khác phải xử lý bằng pháp luật để mang tính răn đe nhằm tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Một trong những việc cấp thiết nhất hiện nay là phải đặt vị trí giới trẻ làm trọng tâm của chiến dịch tuyên truyền ATGT.
Trước hết, phải xác định giới trẻ ở đây bao gồm toàn bộ các thành phần xã hội, từ học sinh các trường phổ thông tới sinh viên cao đẳng, đại học. Từ thanh niên đang làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, từ thành thị, nông thôn cho đến các khu công nghiệp – nơi tập trung đa số lực lượng lao động là thanh niên.
Trên cơ sở đó, tổ chức chiến dịch tuyên truyền có độ phủ sóng trên diện rộng, bao quát toàn bộ giới trẻ mới là điều cần thiết. Việc tuyên truyền bằng hình thức nào, nội dung gì để thu hút sự quan tâm, hấp dẫn của giới trẻ... cũng rất cần được cân nhắc kỹ. Bởi vì trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà có quá nhiều sự lựa chọn và nhiều hình thức vui chơi giải trí cuốn hút giới trẻ thì không dễ để họ có thể tham gia tích cực trong một hoạt động mang tính tuyên truyền. Mặt khác, cần phải xây dựng nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn nội dung phục vụ học sinh, sinh viên sẽ khác với giới trẻ đang làm việc ở các khu công nghiệp hay đối với thanh niên nông thôn...
Hãy coi trọng hành vi ứng xử
Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Rumani tại Việt Nam, ông Dumitru Olaru là một người dành nhiều quan tâm đối với giao thông tại Hà Nội. Tuy không phải chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhưng ông rất vui khi tới Việt Nam và có một số cảm nhận để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về giao thông ở Hà Nội và một vài nơi trên thế giới mà ông đã tới. Lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội cách đây hơn 3 năm, điều khiến ông hết sức ngạc nhiên là những gì đang diễn ra trên đường phố. Cảm nhận của vị đại sứ là giao thông ở Hà Nội hết sức kỳ cục. Tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều đổ dồn về từ các hướng, các đôi bạn trẻ ôm nhau, thậm chí còn hôn nhau khi đang đi xe máy, nhiều người chở vật dụng cồng kềnh rất nguy hiểm.
Ông đã chứng kiến một vài vụ va chạm xảy ra và cảm thấy rất ngạc nhiên về hành vi của họ. Một số trường hợp người điều khiển xe máy đi vào đường ngược chiều và va quệt với người khác nhưng lại cố cự cãi dẫn đến “thượng cẳng chận hạ cẳng tay”... Những ngày đầu khi đi trên đường phố Hà Nội đông đúc, ông đã nảy ra ý định thử sang bên kia đường nhưng không thể được vì mọi người từ đủ mọi phía như đang đổ ập vào mình. Ông kể điều này cho một vài người bạn, thật ngạc nhiên, họ bảo với ông rằng muốn sang đường rất đơn giản, hãy nhắm mắt và cứ thế mà bước qua. Và ông đã thực hiện, tất nhiên mắt không nhắm nhưng coi như không có gì xung quanh và thẳng bước chân. Kết quả là thành công. Bây giờ ông đã có thể tham gia giao thông một cách “thoải mái” vì đã quen tâm lý giao thông ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng giao thông như vậy không phải chỉ có ở Việt Nam, cụ thể là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà nhiều nơi trên thế giới cũng đang phải giải quyết vấn đề này. Theo ý kiến của vị đại sứ thì giao thông ở Hà Nội hiện đã tốt hơn rất nhiều so với mấy năm trước, nhưng TNGT vẫn xảy ra hàng ngày. Hiện ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều người tham gia giao thông không chấp hành Luật Giao thông - ông Dumitru Olaru, chia sẻ.
Để thay đổi thực trạng này, cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức một cách đồng bộ, nhịp nhàng nhằm từng bước xây dựng thói quen ứng xử có văn hóa trong giao thông, bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất thường ngày. Đó chính là nền móng để dần hình thành văn hóa giao thông-giải pháp bền vững giúp đẩy lùi hiểm họa TNGT. N
Ở nước ta tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích đứng hàng thứ ba (11%) sau tử vong do bện tim mạnh (18%) và nhiễm khuẩn (15%). Theo niên giám thống kê năm 2005 về cơ cấu bệnh tật, tử vong cho thấy tỷ lệ tai nạn thương tích chiếm 12,65% và tỷ lệ tử vong chiếm 22,23%. Trong đó, TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích với TNGT đường bộ là nguyên nhân chủ yếu chiếm 94,56% số vụ TNGT, 96,09% số người chết và 96,43% số người bị thương trong tổng số TNGT năm 2011.