Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng gần 1.000 xe ô tô của các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doạnh vận tải hành khách (taxi), số lượng xe nhiều đã làm cho sự cạnh tranh tương đối gay gắt. Để giữ thị phần, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như: đầu tư nâng cấp phương tiện, giảm giá cước, đổi mới tinh thần phục vụ…
Đối với hãng taxi Mai Linh (Chi nhánh Thái Nguyên), để tạo uy tín với khách hàng, ngoài việc giảm giá cước, đơn vị này còn thực hiện phương pháp “báo điểm”. Tức là Trung tâm điều động của Chi nhánh Mai Linh Thái Nguyên không điều xe khi có khách gọi như các hãng khác mà “báo điểm” có khách để tất cả lái xe của hãng đang hoạt động đều có thể tới “điểm báo” và ai nhanh hơn thì người ấy đón được khách. Theo lý giải của đại diện Chi nhánh Mai Linh Thái Nguyên thì cách làm này “hơi khắc nghiệt” nhưng có nhiều điều lợi như: lái xe không quá phụ thuộc vào sự điều động của doanh nghiệp; lái xe tự cạnh tranh với nhau để có thể tăng doanh thu; khách hàng không phải chờ đợi lâu…
Chúng tôi cũng nhận thấy, trong kinh doanh thì việc “báo điểm” của Chi nhánh taxi Mai Linh Thái Nguyên đem lại những hiệu quả nhất định, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Bởi khi Trung tâm “báo điểm” tất cả các xe đang hoạt động của hãng chưa có khách đều đi rất nhanh đến điểm được báo để “giành khách”. Cùng với đó là nhiều lái xe cùng đến điểm đón khách do trung tâm báo nhưng khi không đón được khách thì vừa mất tiền xăng, vừa bị ức chế. Mặc dù Chi nhánh taxi Mai Linh Thái Nguyên cũng có quy định chỉ những xe có khoảng cách dưới 1km so với “điểm báo” mới tham gia đón khách, nhưng vì sức ép doanh thu nên nhiều lái xe ở khoảng cách xa hơn 1km cũng cố tìm cách đón khách.
Theo chúng tôi, thực hiện các giải pháp để tăng doanh thu, lợi nhuận và tạo môi trường cạnh tranh cho người lao động trong từng doanh nghiệp là điều rất cần thiết, nhưng nếu không có sự cân nhắc, quản lý, điều hành khoa học thì việc “báo điểm” của hãng taxi Mai Linh lại “lợi bất cập hại”.