Đó là ông Nguyễn Ngọc Tuy, 63 tuổi, trú tại xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Nhà của ông Tuy nằm gần ga Phạm Xá. Phía trước là QL5, phía sau là tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ấy là chưa kể chắn hai đầu còn có đường ngang dân sinh dẫn vào các huyện Kinh Môn, Thanh Hà.
Mỗi ngày, tại đây có hàng trăm ngàn lượt người và phương tiện lưu thông, tai nạn luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Riêng QL5, đoạn qua huyện Kim Thành thường tháng cao điểm xảy ra tới 20 vụ TNGT. Điều đáng buồn là không ít người dân quanh khu vực dường như… vô cảm với tai nạn, chỉ biết tụ tập đứng xem mà không có động thái nào giúp nạn nhân. Thậm chí, có đối tượng xấu còn lợi dụng trộm cắp tài sản. Đó cũng chính là nguyên cớ khiến ông Tuy quyết định phải làm một việc gì đó để giúp đỡ những người không may gặp nạn trên cung đường từ Km 66 – 69 dọc QL5.
Sau nhiều năm trăn trở, ông tự tìm tài liệu, học cách sơ cứu rồi tự chế nẹp cứu thương, mua bông băng cầm máu cùng các dụng cụ cần thiết. Thế rồi, từ đầu năm 1992, ông Tuy bắt tay vào công việc đầy khó khắn, vất vả song cũng đầy nhân ái. Không kể mưa nắng, ngày hay đêm, bất cứ lúc nào nhận được tin có tai nạn xảy ra, ông Tuy lập tức lên đường.
Có vụ, ông sơ cứu rồi nhờ người chuyển nạn nhân vào trạm y tế, có vụ ông gọi xe đưa đến bệnh viện. Nếu gần nhà, ông chuyển thẳng về nhà mình chăm sóc, sơ cứu cho nạn nhân. Người dân Kim Thành đã rất quen với người đàn ông tóc trắng như cước một mình trên chiếc xe máy Dream đã cũ luôn xông xáo tiếp cận rất nhanh hiện trường các vụ TNGT, giành lại sự sống cho những người không may gặp nạn.
Vừa cứu thương, ông Tuy còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo quản tài sản của nạn nhân và bảo vệ hiện trường. Có lần, đang ốm nằm trên giường, nghe chuông điện thoại báo vụ va quệt nghiêm trọng giữa xe máy và xe tải tại Km 69 trên QL5, nạn nhân là anh Đỗ Quốc Đạt (Công ty Vimexco Hải Phòng) cùng một nữ nhân viên kế toán bị thương rất nặng, ông Tuy gắng dậy có mặt ngay tại hiện trường nhanh chóng làm các thao tác cầm máu cho nạn nhân nữ. Thấy anh Đạt có triệu chứng bị vỡ lá lách, ông khẩn trương sơ cứu rồi vẫy xe đưa anh vào bệnh viện phẫu thuật. Số tiền 33 triệu họ mang theo trong túi xách cũng được ông Tuy bảo vệ và giao nộp đầy đủ cho Cảnh sát giao thông. Anh Đạt sau này thường xuyên đến thăm ông Tuy như một ân nhân đã cứu sống mình...
Năm 1995, ông Tuy được giao chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tuấn Hưng. Ghi nhận những hiệu quả công việc của ông trong công tác cứu hộ trên QL 5, năm 1999, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ ông Tuy một số dụng cụ y tế gồm: cáng gỗ, túi xách y tế, áo khoác, mũ... Cũng từ đây, ngôi nhà ông Tuy gắn thêm tấm biển: “Chốt sơ cứu tai nạn giao thông”. Ông tâm niệm, chỉ có cứu nạn trong khi ý thức của người dân về ATGT vẫn không thay đổi thì vẫn chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Nghĩ là làm, ông Tuy lên chiến dịch tuyên truyền, vận động Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã đến các hộ dân ven quốc lộ nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ… Hàng ngày, ai vận chuyển, gồng gánh hàng hóa không đảm bảo an toàn băng qua đường sang chợ đều được ông nhắc nhở. Đối với những hộ dân buôn bán dọc đường cản trở giao thông, ông đích thân đi dẹp. Được UBND xã tặng một chiếc loa cầm tay, vào mỗi buổi sáng, ông Tuy dùng chiếc loa này hướng dẫn các cháu học sinh sang đường an toàn.
Không dừng ở đó, đầu năm 2008, ông Tuy tập hợp những người làm nghề xe ôm dọc QL5 hướng dẫn họ các thao tác cứu nạn. Tháng 6-2008, Đội xe ôm cứu hộ gồm 12 người trang bị đồng phục, phương tiện cứu thương của huyện Kim Thành ra đời. Đã có rất nhiều thân nhân người bị nạn đươc ông Tuy và đội cứu hộ của ông cứu giúp tại các địa phương như: Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên... đã về tận xã để cảm ơn. Một số khác ở xa vẫn thường xuyên viết thư, gọi điện cảm ơn, thăm hỏi anh em trong đội.
Ông Tuy tâm sự: không có gì vui bằng khi nhìn thấy những người mình cứu giúp hồi phục khỏe mạnh, sau lại trở thành anh em bạn hữu thân thiết của mình.
Với tấm lòng nhân ái, năm 2007, ông Tuy đề xuất với chính quyền địa phương thành lập trung tâm dạy nghề may bao bì đóng gói nông sản cho trẻ em khuyết tật. Trung tâm đã duy trì nhiều mối hàng tại các địa bàn như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng… Đến nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, dạy nghề cho 20 học viên khuyết tật với thu nhập từ 1,2 – 15 triệu đồng/người/tháng.
Hơn 20 năm làm việc thiện, tấm gương của “ông cứu hộ” trên QL5 - Nguyễn Ngọc Tuy thật cảm động, đáng để cho nhiều người suy ngẫm, học tập.