Điều chỉnh quy hoạch GTĐB đến năm 2020-2030

15:32, 10/01/2013

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch GTVT đường bộ đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Điều chỉnh lại đầu tư nhiều dự án lớn, tập trung cho dự án trọng điểm, Quy hoạch đã thể hiện tính thực tế cao, đột phá và quyết tâm cao để đạt mục tiêu.

 

Điều chỉnh lại tầm nhìn chiến lược

 

Lập Điều chỉnh Quy hoạch giao thông đường bộ lần này, Bộ GTVT đặt ra yêu cầu: Phải đặc biệt coi trọng tính thực tế, khả thi cao của Quy hoạch. Các kế hoạch đầu tư phải sát thực, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực đầu tư trong điều kiện tăng trưởng kinh tế trong nước và trên thế giới chậm lại.

 

Mục tiêu phải đạt được rất lớn, là triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Do đó, một yêu cầu nữa phải đạt tới là đầu tư phải đạt hiệu quả cao, khắc phục được tình trạng dàn trải; đầu tư vừa phải có trọng tâm trọng điểm, vừa mang tính đột phá.

 

Để đáp ứng các yêu cầu này, Quy hoạch GTĐB điều chỉnh đã tập trung đáp ứng cho nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam,  2 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, một số tuyến đường ven biển và biên giới quan trọng. Đặc biệt chú trọng tính liên kết, kết nối trong mạng lưới giao thông và kết nối với các cửa ngõ.

 

Điều chỉnh các dự án lớn

 

Với các QL, thay đổi lớn nhất là lựa chọn ưu tiên số 1 cho dự án mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ, hoàn thành nâng cấp, mở rộng 1.054 km/1.887 km cơ bản đạt quy mô 4 làn xe cơ giới, các đoạn còn lại đạt cấp III, 2 làn xe. Quy hoạch năm 2009 QL1 chỉ có quy mô 2 làn xe. Song do tốc độ tăng trưởng vận tải trên hành lang này quá lớn, nhiều đoạn QL1 nay đã mãn tải và sẽ mãn tải trên toàn tuyến vào năm 2015, mà đầu tư đường cao tốc Bắc Nam quá chậm. Do đó phải tập trung cao nhất cho mở rộng QL1, tổng vốn đầu tư trên 90.000 tỷ đồng, trong đó đến 2015 cần trên 67.000 tỷ.

 

Đường Hồ Chí Minh cơ bản nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe vào năm 2020, chỉ đầu tư nâng cấp một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn, trong đó ưu tiên QL 14 - đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Mức đầu tư được xác định khoảng 70.000 tỷ đồng đến giai đoạn 2015, trên 170.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 -2020.

 

Mục tiêu hoàn thành vào cấp toàn bộ các tuyến QL trước năm 2020 như Quy hoạch năm 2009 đề ra là khó khả thi, Quy hoạch mới sẽ điều chỉnh chậm lại (hiện còn 6.000km QL chưa vào cấp), tập trung cho các QL 14, 18, 19, 20, 91, 50, 51... Tổng mức đầu tư cho giai đoạn đến 2015 là trên 133.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016- 2020 là trên 122.000 tỷ đồng, từ các nguồn: ODA, NSNN, TPCP, BOT, BT, PPP...

 

Mục tiêu 3.000km cao tốc vào giai đoạn 2020 như quy hoạch 2009 là hoàn toàn không khả thi, thậm chí hoàn thành 2000km vào năm 2020 cũng rất khó khăn, nên phải điều chỉnh lại Quy hoạch mạng đường cao tốc. Theo Quy hoạch điều chỉnh trình Thủ tướng lần này, Dự án đường cao tốc Bắc Nam, trong tình hình hiện nay, sẽ bị chậm lại, khả năng trước 2020 sẽ chỉ hoàn thành một số đoạn có lưu lượng vận tải lớn.

 

Các dự án đường cao tốc, khả năng đến 2015 sẽ chỉ hoàn thành được khoảng 600km, khoảng 1.800km vào giai đoạn 2020. Các Dự án ưu tiên đầu tư của ngành đường bộ cơ bản sẽ phải chậm lại, nhiều dự án trong kế hoạch trước 2020 sẽ phải điều chỉnh lại sau 2020. Cụ thể, sẽ đầu tư cao tốc Bắc Nam 10 tuyến dài 780km khoảng 210.000 tỷ đồng, cao tốc phía Bắc 6 tuyến dài 705km 123.660 tỷ đồng, cao tốc phía Nam 1 tuyến 76km gần 14.000 tỷ đồng, cao tốc vành đai Hà Nội và TP HCM 90,6km gần 46.000 tỷ đồng.