Văn hóa giao thông từ nét đẹp nhường đường

15:20, 02/01/2013

Không phải bỗng dưng mà trong Luật Giao thông đường bộ, từ “nhường đường” xuất hiện tới 16 lần tại các Điều 3, 10, 11, 15, 17, 22, 24, 26.

Để bảo đảm trật tự, an toàn và thông suốt của giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện không những phải nhường đường theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, khi gặp tín hiệu đèn giao thông hay biển báo hiệu, vạch kẻ đường mà còn phải bắt buộc tuân theo các quy tắc nhường đường khi chuyển hướng xe, tránh xe đi ngược chiều; nhường đường cho các loại xe ưu tiên, nhường đường tại nơi giao nhau...

 

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về ATGT như vậy thì chưa đủ để hình thành một văn hóa giao thông đẹp. Có những trường hợp tuy pháp luật không “với tay” đến nhưng một người có văn hóa khi tham gia giao thông không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông (người mới tập lái xe, người ở nông thôn ra thành phố); nhường một phần đường của mình khi gặp đám rước, đám tang, phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn... đi ngược chiều.

 

Có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi khi tôi sang Montreal, Canada, đó là khi tôi đứng ở bên này đường chụp ảnh ngôi nhà phủ đầy cây dây leo phía bên kia đường, thì chiếc ô tô vừa đi tới đã dừng lại cho tôi chụp ảnh xong rồi mới đi qua; không những vậy, người lái xe còn mỉm cười rất tươi và vẫy chào tôi nữa. Khi tôi đến Nhật Bản, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất không phải là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt vô cùng tiện nghi ở đất nước này mà là ý thức tham gia giao thông tuyệt vời của người dân xứ sở Mặt Trời mọc. Dù cho tôi có lơ ngơ đi xe đạp vào làn đường dành cho ô tô thì người lái xe cũng dừng lại, kiên nhẫn chờ tôi đi qua rồi mới đi tiếp. Mỗi khi đi từ đường nhánh ra đường lớn, lái xe đều dừng lại quan sát kỹ lưỡng, thấy không có ai đi ngang qua thì mới đánh xe ra. Có mấy lần, thấy tôi vội vàng phanh kít chiếc xe đạp của mình để nhường đường thì dù đang đi bộ, đi xe đạp hay đi ô tô, người được nhường đường cũng cúi đầu cảm ơn rất nhã nhặn...

 

Không biết đã phải mất bao lâu, trải qua bao nhiêu thế hệ và phải đầu tư bao nhiêu công sức, trí tuệ thì người dân Nhật mới hình thành được một nét đẹp văn hóa giao thông như vậy. Còn ở Việt Nam chúng ta, điển hình như ở Thủ đô Hà Nội, việc cố chen, cố lấn, cố giành phần thuận lợi cho mình khi tham gia giao thông không phải là hành vi hiếm gặp khi chúng ta quan sát những gì diễn ra trên “mặt trận giao thông” hàng ngày, hàng giờ. Va quệt, tắc đường, lườm nguýt, cãi vã, xô xát, thậm chí rút dao ra “nói chuyện” với nhau là những hệ lụy trước mắt của việc không chấp hành các quy định về nhường đường khi tham gia giao thông. Nhưng sâu xa hơn, những hành vi tưởng như rất nhỏ nhặt như vậy lại chẳng khác nào những “rào cản bướng bỉnh” trước những nỗ lực hình thành một văn hóa giao thông đẹp của Thủ đô.

 

Hàng năm, chúng ta đều phát động những cuộc vận động quyên góp ủng hộ người nghèo, người không may bị tai nạn, bệnh tật nan y hay người dân ở những vùng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai... Thiết nghĩ, có một hành động không kém phần thiết thực, lại đơn giản, dễ thực hiện mà lại thể hiện rõ nét “tầm văn hóa” của người tham gia giao thông là nhường đường cho người cùng tham gia giao thông với mình thì chúng ta lại không mấy chú trọng. Có lẽ, đã đến lúc tư duy này cần phải thay đổi - vì một “bộ mặt” văn minh, thanh lịch của Thủ đô năm văn hiến và để lại những ấn tượng đẹp cho du khách khi đặt chân tới đây.