Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của lái xe: Cần áp dụng ngay!

14:59, 09/01/2013

Xác định nồng độ cồn (Etanol) trong máu phục vụ cho việc xác định nguyên nhân TNGT do có sử dụng rượu, bia và nước uống có cồn. Nhưng không chỉ vậy, biện pháp này còn giúp ngăn chặn hiệu quả các trường hợp chống đối và cho kết quả chính xác giúp xử lý hiệu quả hành vi vi phạm của lái xe nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra TNGT từ “gốc”.

Mới đây, Bộ Y tế đã có dự thảo Thông tư quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo dự thảo này, đối tượng xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại cơ sở y tế gồm: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị TNGT và được cán bộ công an có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị TNGT và có chỉ định của bác sỹ; người tham gia giao thông có dấu hiệu sử dụng rượu, bia được cán bộ công an có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Trước đó, ngày 23/3/2010, Bộ Y tế đã có Quyết định số 933/QĐ-BYT về việc “Ban hành quy định về đo nồng độ cồn (Etanol) trong máu áp dụng trong các bệnh viện”.

 

Trong thực tế kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, nhiều người vi phạm không hợp tác khi CSGT yêu cầu thổi để thử nồng độ cồn trong hơi thở. Một số trường hợp uống rượu, bia quá say không thực hiện được việc thử nồng độ cồn, thậm chí còn lăng mạ, chống lại người thi hành công vụ. Nhiều nước trên thế giới đã kiểm tra nồng độ cồn bằng phương pháp xét nghiệm máu để có kết quả chính xác nhất cho việc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tại Việt Nam lâu nay, vấn đề xét nghiệm nồng độ cồn hay xét nghiệm chất ma túy trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ luôn là một vấn đề nhạy cảm.

 

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Nhưng sau đó đã gặp phải phản ứng trái chiều từ dư luận. Cũng từ đó, yêu cầu về hành lang pháp lý cho vấn đề này được đặt ra. Và trong Nghị quyết 88/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

 

Theo kết quả nghiên cứu, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 – 30%, giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT. Theo Cục  CSGT Đường bộ - Đường sắt, từ năm 2004 – 2008, TNGT do nguyên nhân từ say rượu bia luôn chiếm từ 6 – 8% TNGT xảy ra trong toàn quốc. Năm 2006, phân tích 7.280 vụ TNGT có 474 vụ (chiếm 6,5%) do lái xe say rượu bia gây ra; năm 2007 có 469 vụ và 2008 có 409 vụ. Đây là những thống kê chưa đầy đủ, thực tế còn cao hơn nhiều. Một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe tại 2 huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và Từ Liêm (Hà Nội) cho thấy, 68% nam giới bị thương do TNGT đã có uống rượu bia khi lái xe; 70% nam giới xác nhận có uống rượu trước khi đi xe máy. Trước đó, trong một cuộc điều tra, thì có 38% người dân Việt Nam cho rằng chỉ khi bị bắt buộc, họ mới tuân thủ quy định không uống rượu lái xe.

 

Trong dự thảo của mình, Bộ Y tế đã đưa ra các điều kiện đối với các cơ sở xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, đó là các cơ sở y tế có khoa, phòng hoặc bộ phận xét nghiệm đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu; cơ sở xét nghiệm có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, có thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm; cơ sở y tế có người hành nghề có chứng chỉ hành nghề xét nghiệm sinh hóa. Cán bộ xét nghiệm nắm được quy trình xét nghiệm định lượng cồn trong máu; thực hiện đúng quy trình xét nghiệm định lượng cồn trong máu.

 

Theo các chuyên gia y tế, lái xe trong tình trạng say rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích không chỉ là nguy cơ cao dẫn đến TNGT mà còn làm trầm trọng thêm chấn thương khi xảy ra tai nạn, gây phức tạp cho việc gây mê và phẫu thuật do sự tương tác giữa thuốc và chất cồn dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao.

 

Còn theo Bác sĩ Cao Độc Lập – Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Việt Đức), người điều khiển môtô mà nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì mức độ chấn thương nói chung và chấn thương sọ não nói riêng cao gấp 3,84 lần một người bình thường. Nguyên nhân là do khi tai nạn xảy ra, người đã sử dụng rượu bia không đủ tỉnh táo để phản xạ nhanh nhạy, không có khả năng chủ động đối với các va đập. Nếu như một người ở trạng thái bình thường, khi gặp tai nạn có thể thu người lại, ôm đầu để giảm chấn thương thì người đã sử dụng rượu bia không có hoặc có phản ứng rất chậm đối với những tình huống đó. Chưa kể, sau khi tai nạn xảy ra, để đánh giá chính xác mức độ chấn thương của người đã sử dụng rượu bia trong quá trình cấp cứu không chính xác tuyệt đối và do tổn thương thần kinh nên mức độ phục hồi cũng bị ảnh hưởng.

 

Ông Jonathon Passmore, Chuyên gia phòng chống tai nạn thương tích (thuộc WHO tại Việt Nam) cũng khuyến cáo rằng, người đã uống rượu bia không nên lái xe vì nghiên cứu y tế cho thấy, khi trong máu có nồng độ cồn đến 40mg/100ml máu thì nguy cơ dẫn tới TNGT rất cao. Với nồng độ quá 50mg/ml thì nguy cơ xảy ra tai nạn gấp 40 lần. Uống rượu, bia quá nồng độ, lái xe dễ bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, sau đó gây ức chế não bộ làm cho người lái xe ngủ gật trong khi điều khiển xe. Vì vậy, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển mà rượu bia còn gây nguy hiểm cho cả những người xung quanh.