Đề phòng TNGT trong dịp Tết

09:00, 07/02/2013

Một thực tế trong những ngày Tết, TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm gia tăng. Chủ động phòng tránh bằng hạn chế sử dụng rượu bia, lựa chọn phương tiện phù hợp.  

Những con số đau lòng

 

Dịp lễ Tết là những ngày sum họp gia đình, thăm hỏi anh em họ hàng, bà con lối xóm, tiệc tổng kết cuối năm của cơ quan, bạn bè tụ họp mời nhau bữa cơm tiễn năm cũ, đón năm mới... Những ngày trước Tết nhiều người lu bù tiệc tùng và không thể thiếu trong các bữa liên hoan đó là đồ uống có cồn. Và cũng từ đó xảy ra nhiều vụ TNGT, phạm pháp.

 

Có dịp vào thăm khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, mới thấy sự vất vả của đội ngũ y bác sỹ. Phó giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ: “Nhiều năm qua cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức hầu như ăn Tết không năm nào được trọn vẹn, vì phải trực 24/24h xử lý cấp cứu những ca bị TNGT. Đội ngũ y bác sỹ lành nghề của Bệnh viện trong những ngày Tết khi đi đâu ra khỏi Hà Nội là phải báo cáo Ban Giám đốc và luôn luôn có gần 200 y tá điều dưỡng thường trực tại Bệnh viện”. Năm 2012, Bệnh viện Việt Đức trong 5 ngày Tết (từ 30 Tết đến 15h ngày 4 Tết đã có 483 trường hợp cấp cứu do TNGT, trong đó gần 200 trường hợp chấn thương sọ não. 109 trường hợp không đội MBH và số còn lại có đội MBH nhưng chất lượng mũ không đảm bảo và 23 trường hợp chết vì TNGT.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 (hai bệnh viện cấp cứu lớn ở TP.HCM) đã tiếp nhận 1.615 ca cấp cứu trong 3 ngày Tết. Trong đó, có 526 trường hợp TNGT.

 

Qua nhiều năm theo dõi, TNGT trong dịp Tết chủ yếu liên quan đến rượu bia, không đội MBH, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, bởi các nguyên nhân: đường thoáng, cơ quan kiểm soát chưa chặt chẽ cộng với ý thức kém của người tham gia giao thông.

 

Phòng tránh TNGT trong dịp Tết

 

Trong Công điện mới đây của Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi: đi sai phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; chở quá số người quy định; người đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH; người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, quá nồng độ cồn quy định...

 

Những con số dưới đây, cũng báo động nguy cơ lạm dụng bia rượu dẫn đến TNGT rất cao: Ở Việt Nam trung bình mỗi năm tăng 15% với gần 500 cơ sở sản xuất bia với quy mô nhỏ lẻ. Sản lượng bia được tiêu thụ trong năm 2010 là khoảng 2,5 tỷ lít, dự kiến có thể tăng lên 4 tỷ lít vào năm 2015. Bên cạnh đó, mỗi năm có gần 350 triệu lít rượu được tiêu thụ, trong đó 72% rượu được nấu tại các hộ gia đình, kém chất lượng, 7 % nhập khẩu và hơn 20% là rượu từ các nhà máy trong nước sản xuất.

 

Từ thói quen sử dụng rượu bia như hiện nay, có trên 40% các nạn nhân được cấp cứu từ TNGT và đặc biệt tăng cao vào các ngày lễ, Tết và cuối tuần có liên quan đến bia, rượu. Điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, đã dẫn đến các hành vi vi phạm và TNGT như: vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường... Say rượu, bia không kiểm soát được hành vi và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng ảnh hưởng đến công tác bảo đảm TTATGT.

 

Chủ động phòng ngừa, bằng cách uống có liều lượng, lựa chọn phương tiện phù hợp để tránh TNGT do rượu bia vẫn là giải pháp hữu hiệu. Mỗi người trong chúng ta biết điểm “dừng” để câu chuyện đầu Xuân sẽ mạng lại cho mỗi gia đình đầy ắp tiếng cười và niềm vui hân hoan trong những ngày xuân mới an lành, hạnh phúc.