Gắn "sao" cho xe khách

09:34, 03/03/2013

Tổng cục Ðường bộ Việt Nam vừa công bố Ðề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm tai nạn giao thông.

Tổng cục Ðường bộ Việt Nam vừa công bố Ðề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm tai nạn giao thông. Theo đề án này, sẽ tiến hành phân loại chất lượng các dịch vụ vận tải theo năm hạng từ 1 "sao" đến 5 "sao"; trong đó, hạng "năm sao" phải đạt từ 80% trở lên số điểm cao nhất của mỗi nội dung. Thời gian thực hiện đề án bắt đầu tiến hành từ nay đến năm 2015, kinh phí thực hiện ước tính hơn 20 tỷ đồng.

 

"Bức Tranh" vận tải nhỏ lẻ, manh mún đang được ví như thời kỳ bung ra của khoán nông nghiệp, "nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải", đang để lại những hậu quả xấu cho xã hội. Vụ trưởng Vụ Vận tải pháp chế (Tổng cục Ðường bộ Việt Nam) Trần Quang Bình đánh giá, dịch vụ vận tải đường bộ là lĩnh vực được xã hội hóa mạnh mẽ và có sự phát triển nóng trong thời gian qua. Chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn mười lần. Tính đến nay, cả nước hiện có gần 2.700 doanh nghiệp, 586 HTX và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vận tải với gần 103 nghìn xe khách và 620 nghìn xe tải các loại. Hầu hết các đơn vị vận tải đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương pháp quản lý thủ công, điều hành yếu kém, bởi vậy hiệu quả kinh doanh thấp. Kết quả khảo sát cho thấy, gần 60% số đơn vị vận tải tuyến cố định và hơn 82% số đơn vị vận tải hành khách hợp đồng chỉ có dưới 10 xe.

 

Phần lớn các đơn vị vận tải hiện nay không quản lý phương tiện, không quản lý lái xe, không màng chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông, chỉ có vai trò như một cơ quan quản lý và thu phí dịch vụ, tất cả đều phó mặc cho lái xe. Do đó, chất lượng dịch vụ vận tải thấp, TNGT do ô-tô vận tải gây ra còn nhiều. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, dịch vụ vận tải Việt Nam đang "bung" ra như nấm sau mưa, phát triển mạnh theo chiều rộng nhưng thiếu sự quản lý, giám sát; bộ máy, nhân sự quản lý yếu kém cả về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ. Qua điều tra, có tới 16 Sở Giao thông vận tải không có cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản làm trong lĩnh vực quản lý vận tải, tất cả đều trái ngành, trái nghề, khiến quản lý vận tải  ngày càng yếu kém.

 

Trước thực trạng nêu trên, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam khẳng định, việc xây dựng và đưa Ðề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ là cần thiết, vừa nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm ATGT, cơ cấu lại thị trường vận tải,... Về quản lý vận tải hành khách, bảo đảm ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải được xác định là hai nội dung cơ bản. Tổng cục sẽ xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm chất lượng phương tiện, lái xe và nhân viên phục vụ, hành trình, tổ chức, quản lý,... Trên cơ sở các tiêu chí này, vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành năm hạng từ 1 "sao" đến 5 "sao" với thang điểm 100. Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành hai hạng (2 "sao" và 3 "sao", thang điểm 100), ta-xi phân thành 3 hạng (3, 4, 5 "sao", thang điểm 90).

 

Ðể xác định hạng chất lượng dịch vụ vận tải thì đơn vị vận tải ngoài việc phải đạt được tổng số điểm theo quy định tại bảng trên còn phải đáp ứng điều kiện về mức điểm tối thiểu của mỗi nội dung đánh giá, tương ứng với từng hạng chất lượng dịch vụ, theo loại hình kinh doanh vận tải. Ngoài việc thực hiện các quy định tại quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, mỗi loại hình kinh doanh vận tải hành khách còn thực hiện một số nội dung đổi mới quản lý. Trong đó, vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ thực hiện áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi, kết nối các cơ quan quản lý với bến xe, đơn vị vận tải. Với loại hình này, sẽ yêu cầu cập nhật dữ liệu và công bố công khai trên từng tuyến vận tải về lịch trình xuất bến, đơn vị thực hiện, giá vé, chất lượng dịch vụ trên tuyến, công bố công khai và có giải pháp xử lý, điều chỉnh các vi phạm. Về vận tải hàng hóa, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có khuyến cáo cho các chủ hàng lựa chọn, ký hợp đồng vận chuyển với những đơn vị vận tải đã thực hiện tiêu chuẩn và quy trình ATGT, tiến tới quy định chỉ những đơn vị đã thực hiện công tác này mới được tham gia vận tải quốc tế, vận tải đường dài (từ 500 km trở lên); những đơn vị chưa thực hiện chỉ được phép kinh doanh vận tải đường ngắn trong nước. Ðồng thời, xây dựng trang thông tin điện tử, đăng tải miễn phí cho các doanh nghiệp vận tải các thông tin về năng lực, giá cước, nhu cầu nguồn hàng.

 

Lãnh đạo Tổng cục Ðường bộ Việt Nam nhận định, đề án sẽ khắc phục cơ bản những bất cập trong đăng ký và thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải, quản lý ATGT ở các đơn vị vận tải hiện nay. Ðồng thời, là cơ sở để hành khách lựa chọn, giám sát thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế khuyến khích, phát triển các đơn vị vận tải quản lý tốt, loại bỏ dần những đơn vị chất lượng dịch vụ kém. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm: Nên khuyến khích, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp xếp loại tốt (4-5 sao), quản lý chặt đối với các đơn vị làm chưa tốt (1-2 sao), những đơn vị vận tải đã thực hiện quy trình quản lý được kiểm tra, xác nhận và sẽ công bố theo định kỳ (từ ba tháng đến một năm). Ðề án có tính khả thi cao vì đưa ra được tổng thể các giải pháp quản lý, đổi mới vận tải đường bộ, xuất phát từ thực tiễn và phù hợp điều kiện nước ta.

 

Trước đó, khi thẩm định Ðề án, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng đã nhấn mạnh, đổi mới quản lý vận tải đường bộ mang tính tổng thể và dài hơi, song ngay trong năm nay và năm 2014, ngành đường bộ phải xác định những nội dung yếu kém nhất, bức xúc nhất để tập trung giải quyết, tạo chuyển biến ngay. Trong đó, chú trọng quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm của lái xe và cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ xe và người lái xe với chất lượng và an toàn vận tải.