Hình thành văn hóa giao thông trong thanh niên

09:46, 23/03/2013

Lâu nay trên khắp các tuyến đường, ở mọi thời điểm, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh thanh niên lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng. Thực tế đó cho thấy, việc hướng thanh niên đến với văn hóa giao thông còn rất nhiều khó khăn, không thể thực hiện trong "một sớm một chiều".

Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 409 vụ tai nạn giao thông, làm chết 136 người, bị thương 457 người. Trong đó có đến gần 50% số vụ do thanh niên tuổi từ 18-25 gây ra. Ngoài ra, trong trên 50 nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) bị lập biên bản thì có đến gần 60% là thanh niên. Không chỉ thanh niên ở nông thôn kiến thức pháp luật giao thông còn hạn chế vi phạm trật tự ATGT mà ngay cả ở thành phố, tỷ lệ thanh niên vi phạm ATGT cũng vẫn rất cao.

 

 

Cùng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Phú Bình tuần tra trên các tuyến đường liên xã, thôn, chúng tôi thấy có đến 70% đối tượng bị lập biên bản ở độ tuổi dưới 35 với các vi phạm như “không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...”. Việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của thanh niên nông thôn còn rất nhiều điều phải bàn. Anh Hứa Thanh Ngân, Đội phó Đội CSGT huyện Phú Bình cho biết: “Năm 2012, Đội đã lập biên bản 3.437 trường hợp vi phạm, trong đó trên 50% là thanh niên, với hai lỗi: chủ yếu là về tốc độ (trên 1,3 nghìn trường hợp) và không đội mũ bảo hiểm (662 trường hợp). Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xử lý vi phạm trên các đường liên thôn, xóm nhưng đối tượng thanh niên vi phạm thường rẽ vào đường nhỏ hoặc nhà dân để trốn tránh, gây khó khăn cho công tác xử lý...”

 

Vậy đâu là nguyên nhân khiến thanh niên nông thôn vi phạm Luật Giao thông đường bộ, anh Lương Văn Dương, Bí thư Chi đoàn xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá (Võ Nhai), cho rằng: "Không hiểu biết pháp luật cộng với ý thức kém là hai nguyên nhân chính, bên cạnh đó ở nông thôn, đoàn viên, thanh niên chủ yếu đi học và đi làm ăn xa, ít tham gia sinh hoạt tại địa phương nên việc tập hợp, phổ biến truyên truyền cho đoàn viên, thanh niên còn rất hạn chế. Như ở Chi đoàn chúng tôi hiện chỉ có 3 đoàn viên sinh hoạt thường xuyên nên khi có nhiệm vụ đoàn cấp trên giao mới họp Chi đoàn, bởi vậy việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho đoàn viên, thanh niên hầu như không có".

 

Không riêng khu vực nông thôn, hiện nay, tại khu vực thành phố, tình trạng thanh niên vi phạm ATGT cũng đang là bài toán khó cho các cơ sở Đoàn. Anh Nguyễn Hữu Phấn, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật cho biết: "Hằng năm, Đoàn Thanh niên đều tham mưu với Ban Giám hiệu Nhà trường, phối hợp với Ban ATGT, Công an tỉnh tuyên truyền về Luật Giao thông cho cán bộ, giáo viên và sinh viên Nhà trường vào đầu năm học; đồng thời mở các hội thi, sân khấu hóa các nội dung tuyên tuyền cho sinh viên về văn hóa giao thông. Nhà trường cũng quy định khung xử phạt đối với các trường hợp vi phạm giao thông, tùy theo mức độ để khiển trách, cảnh cáo hoặc kỷ luật. Mặc dù vậy, thực tế, vẫn có nhiều sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng các trường hợp đó đều không được gửi về Nhà trường để xử lý. Trong năm vẫn có nhiều trường hợp phải nghỉ học do tai nạn giao thông. Nguyên nhân là do ý thức của mỗi sinh viên chưa cao, biết Luật nhưng không chấp hành".

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Tiến, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về ATGT là việc làm lâu dài, không thể thực hiện trong một sớm một chiều nên thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là Ban ATGT và Công an tỉnh để tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên, trong đó sẽ tập trung đổi mới cách thức tuyên truyền. Đối với các trường học, Tỉnh đoàn sẽ chỉ đạo hình thành các góc giáo dục trực quan bằng hình ảnh để nhấn mạnh vào hậu quả của việc không chấp hành Luật Giao thông, yêu cầu lực lượng công an thông báo kịp thời, đầy đủ các trường hợp vi phạm về trường học để có biện pháp xử lý giáo dục. Đổi mới các hình thức sinh hoạt của chi đoàn thanh niên nông thôn, tăng cường các buổi giao lưu, tuyên truyền lưu động để đến vùng sâu, vùng xa; phối hợp với lực lượng công an xã để hình thành các mô hình "cổng làng an toàn", trong đó thanh niên làm nòng cốt... Đặc biệt vào ngày 24/3, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp với Ban ATGT và Công an tỉnh tổ chức ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông", trọng tâm tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến về hành vi trong quá trình tham gia giao thông của đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, qua đó làm cơ sở để xây dựng “Văn hoá giao thông” trong thanh, thiếu niên.