Để giao thông trên Quốc lộ 5 thực sự thuận tiện, an toàn

07:57, 30/04/2013

Đầu tư kinh phí lớn để sửa chữa, khôi phục mặt đường, Quốc lộ 5 sẽ êm thuận, thông thoáng hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường quan trọng này hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Gần 800 tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục mặt đường

 

Với hàng vạn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày, trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 (QL5) luôn là vấn đề nóng bỏng. Do sự gia tăng nhanh chóng của lưu lượng phương tiện, trong đó có nhiều xe quá tải, tuyến đường này ngày càng trở nên chật chội, nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp.

 

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết: Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường QL5 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 1337/TTg-KTN ngày 04/9/2012, được Tổng cục ĐBVN phê duyệt dự án tại Quyết định số 1710/QĐ-TCĐBVN ngày 19/10/2012. Sau khi hoàn thành các công việc thiết kế, lựa chọn tổ chức tư vấn giám sát và nhà thầu thi công, Dự án đang được triển khai thi công. Toàn bộ Dự án có 5 gói thầu xây lắp, trong đó có 3 gói thầu (số 7, số 8 và số 11) sửa chữa những đoạn mặt đường hư hỏng nhẹ, dự kiến cuối tháng 6/2013 sẽ hoàn thành. Gói thầu số 9 và số 10 nằm trong đoạn móng và mặt đường hư hỏng nặng, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận cho áp dụng công nghệ cào bóc tái chế. Hiện nay, 2 gói thầu này đã tiến hành thi công thí điểm cào bóc tái chế để hoàn thiện dây chuyền thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7/2013.

 

Về vốn cho Dự án này, ngày 17/4/2013, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký hợp đồng cho Tổng cục ĐBVN vay vốn để thực hiện Dự án, giá trị hợp đồng gần 800 tỷ đồng, trong đó phần đường là 753,5 tỷ đồng và đầu tư 1 trạm kiểm tra tải trọng xe 40 tỷ đồng. Trước đó, Chính phủ đã chấp thuận cho phép miễn thủ tục thẩm định dự án vay, để tạo thuận lợi cho Dự án.

 

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, nếu không có những diễn biến bất thường về thời tiết, đến tháng 8/2013, Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường QL5 sẽ cơ bản hoàn thành, khi đó tình hình giao thông trên QL5 sẽ được cải thiện nhiều. Do mật độ tham gia giao thông trên QL5 rất lớn, đặc biệt có nhiều xe container tham gia giao thông nên khó khăn đặt ra hiện nay là việc đảm bảo giao thông trong quá trình thi công. Để giải quyết khó khăn này, bên cạnh việc chỉ đạo lập phương án tổ chức thi công kết hợp với đảm bảo giao thông và kiểm tra việc thực hiện theo đúng quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác, rất cần sự phối hợp của Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trong khu vực dự án. Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN sẽ tăng cường chỉ đạo Thanh tra đường bộ, Khu Quản lý đường bộ và đơn vị quản lý QL 5 phối hợp với Ban quản lý Dự án, nhà thầu để triển khai Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn giao thông.

 

Việc tháo dỡ dải phân cách mềm bước đầu phát huy hiệu quả

 

QL5 đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng; trong đó đoạn qua Thành phố Hà Nội đã được Bộ Giao thông vận tải giao cho UBND Thành phố quản lý theo Quy chế đường đô thị từ tháng 10/2006, phần còn lại do Tổng cục ĐBVN quản lý. Đối với đoạn QL5 qua Thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai tháo dỡ dải phân cách mềm giữa làn xe cơ giới và làn thô sơ, đồng thời vuốt nối xử lý chênh cao giữa 2 làn xe. Phần còn lại do Tổng cục ĐBVN quản lý, việc tháo dỡ dải phân cách mềm đã được triển khai thí điểm trên một số đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, đang tiếp tục thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các đoạn tuyến còn lại. 

 

Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp năm 1998, QL5 mỗi chiều chỉ có 2 làn dành cho xe cơ giới, với bề rộng 7,5m (trừ đoạn đầu tuyến từ cầu Chui đến ngã tư Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) và một số đoạn qua thành phố Hải Dương, Hải Phòng). Phía ngoài làn xe cơ giới là làn dành cho xe thô sơ rộng 3 - 5m, ngăn cách với làn cơ giới bằng dải phân cách mềm. Bố trí này phù hợp với giai đoạn ban đầu khi lưu lượng xe thô sơ (chủ yếu xe đạp) còn lớn, tuy nhiên thời gian gần đây lưu lượng xe thô sơ tham gia giao thông đã giảm, làn thô sơ không phát huy hết. Mặt khác, nhiều vị trí người dân tập kết hàng hóa làm mất tác dụng của làn thô sơ, có trường hợp người đi xe đạp lại đi vào làn đường dành cho xe cơ giới. Trong khi do lưu lượng ô tô, xe máy tăng cao dẫn đến lưu thông trong 2 làn đường dành cho xe cơ giới thường bị ùn tắc, nhất là khi có va chạm hoặc tai nạn. Do lưu thông cả xe máy và ô tô trong 2 làn cơ giới chật hẹp, nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là tai nạn đối với người điều khiển xe máy khi có va chạm với ô tô hoặc tránh ô tô va vào dải phân cách mềm.

 

Theo Tổng cục ĐBVN, trước những bất cập trên, các tỉnh, thành phố trong khu vực đều có kiến nghị tháo dỡ dải phân cách mềm ngăn cách giữa làn xe cơ giới và thô sơ để đảm bảo an toàn giao thông. Sau khi khảo sát tình hình, Tổng cục ĐBVN và Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đã thống nhất và báo cáo Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương tháo dỡ dải phân cách trên, đồng thời vuốt nối khắc phục chênh cao giữa làn xe cơ giới với làn thô sơ, sơn kẻ lại mặt đường và tổ chức lại giao thông. Kết quả, những đoạn đã tháo dỡ dải phân cách mềm, mặt đường đã thông thoáng, giảm tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, nhất là tai nạn đối với người điều khiển xe máy. Việc tháo dỡ dải phân cách mềm giữa làn cơ giới và làn thô sơ còn phù hợp với quá trình phát triển các khu công nghiệp dọc tuyến và quy hoạch đường gom, tình hình xây dựng các vị trí đón, trả khách các tuyến xe buýt dọc QL5, nhất là khu vực thành phố Hải Dương. Tuy nhiên những vị trí nền đường đắp cao (chủ yếu đường dẫn lên cầu), đi sát đường sắt và đi sát sông, mương nước thì dải phân cách mềm vẫn được giữ lại, hoặc nếu thiếu thì bổ sung để phòng hộ an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

 

Tổng cục ĐBVN cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2013, trên tuyến QL 5 xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông, làm chết 01 người, bị thương 03 người; so với 3 tháng đầu năm 2012 đã giảm 49 vụ, giảm 02 người chết, giảm 07 người bị thương.

 

Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

 

Là tuyến giao thông huyết mạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Để bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL5, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã ký Kế hoạch liên ngành phối hợp kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải, quá khổ trên QL5; đồng thời, Tổng cục ĐBVN phối hợp với Ban An toàn giao thông các địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ; tăng cường công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa kịp thời các hư hỏng phát sinh trên tuyến gây mất an toàn giao thông; xử lý các bất cập, hạn chế về tổ chức giao thông, thống nhất xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông... 

 

Với Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường QL5 đang được triển khai, giao thông trên tuyến đường này sẽ êm thuận, thông thoáng hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên QL5 hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Tình trạng đô thị hóa dọc hai bên đường, lưu lượng phương tiện cao gấp nhiều lần so với lưu lượng thiết kế, xe tải chở quá tải trọng cho phép, xe khách “đầu gấu” phóng nhanh vượt ẩu, cạnh tranh không lành mạnh...; đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của một bộ phận người tham gia giao thông là yếu tố luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn. Cùng với việc sửa chữa, khôi phục mặt đường, những vấn đề này cần được các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương có QL5 đi qua tích cực phối hợp giải quyết. Có như vậy, trong thời gian tới, việc đi lại trên tuyến đường này mới thực sự thuận tiện, an toàn.