Nhận thức chuẩn, hành động đúng

09:42, 07/04/2013

Nghị định 34/2010 NĐ-CP quy định cả việc học sinh khi đi xe đạp điện, cha mẹ chở con bằng xe máy phải cho con đội mũ bảo hiểm. Nhưng rất nhiều phụ huynh học sinh chưa nắm được nội dung này để nhắc nhở con em mình (đặc biệt ở các vùng nông thôn). Và với việc lơ mơ về luật này, các bậc phụ huynh sẽ gặp lực lượng chức năng, khi từ nay đến 1/6, Hà Nội mở đợt cao điểm xử lý trẻ em trên 6 tuổi ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

“Đội vào kẻo công an phạt…”

 

 

Đây là câu nói đầu tiên của phụ huynh đối với những đứa con “nhỡ nhàng” tuổi lớn đi xe đạp điện đến trường. Dạo một vòng các trường THPT trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhiều lần được chứng kiến hình ảnh ông bố bà mẹ đi xe máy đuổi theo xe đạp điện của con đến tận cổng trường, tay đưa mũ cho con, miệng nhắc: “Này này, đội vào không công an phạt”,  hoặc giúi cho con chiếc mũ giọng van nài: “Nhớ mang mũ chứ, không tí nữa lại điệu bố ra xin công an”. Có phụ huynh ở vùng nông thôn, khi đi xe máy chở con đi học, nếu có ai nhắc đội mũ bảo hiểm cho con còn gắt gỏng: “Đi đường làng làm gì có công an mà phải đội...”.

 

Chuyện đối phó với cơ quan chức năng khi đội mũ bảo hiểm được bắt đầu từ ngay chính tâm thức của các bậc phụ huynh, thế nên cũng không lạ khi con cái đều tỏ vẻ thờ ơ, hờ hững với việc chấp hành luật pháp với hành động đơn giản là đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện đi học.

 

Trong công tác quản lý của nhà trường cũng gặp phải không ít khó khăn xoay quanh vấn đề đội mũ bảo hiểm cho học sinh. Ở các trường Tiểu học, học sinh đều được bố mẹ đưa đến trường và mang luôn mũ bảo hiểm về nhà. Nhưng với trường THCS và THPT, số lượng học sinh đi xe đạp điện ngày một nhiều hơn. Có những phụ huynh sợ con đánh mất mũ, đã cho con đội mũ “dởm”, để nếu có mất cũng không tiếc nhằm đối phó với quy định của nhà trường. Ban giám hiệu làm sao phân biệt được đâu là mũ “xịn” đâu là mũ “dởm”. Nói dại, nếu chẳng may các em bị ngã trên đường, những chiếc mũ “dởm” này thì...

 

Không nên chỉ trông chờ vào nhà trường

 

Giải pháp tốt nhất hiện nay để mũ bảo hiểm đến trường trở thành một thói quen hàng ngày của học sinh như việc mặc đồng phục mỗi ngày chính  là tuyên truyền để mọi người cùng tự giác thực hiện.

 

Thầy cô giáo cần tuyên truyền cho học sinh, và kể cả trong các cuộc họp phụ huynh học sinh để thấy rõ tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, nhất là khi cho con trẻ đi xe đạp điện một mình. Các bậc phụ huynh nên yêu cầu con mình đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, bởi tuy là “xe đạp” nhưng tốc độ không kém gì xe máy, trong khi đó học sinh (người sử dụng xe đạp điện) lại chưa hiểu rõ luật, chưa xử lý được tình huống như người lớn khi đi xe máy nên tai nạn rất dễ xảy ra.

 

Ngay từ cấp học mầm non, các cô giáo cần nhắc các con về tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm. Đến khi học các trường tiểu học, các tiết học về an toàn giao thông, thầy cô cũng tranh thủ tuyên truyền về tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm đúng cách cũng như những tác hại gây ra khi bị tai nạn giao thông mà không đội mũ bảo hiểm. Có thể tính vào điểm thi đua của cá nhân, của lớp, hạ hạnh kiểm nếu như vi phạm.

 

Trong các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, cần tuyên truyền về Nghị định 34/2010 NĐ-CP. Để nâng cao ý thức cho học sinh trong việc tự giác đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy hoặc đi xe đạp điện, nhà trường đã tuyên truyền đầu giờ chào cờ hàng tuần. Nếu có điều kiện, mời cán bộ Phòng cảnh sát giao thông về nói chuyện chuyên đề.

 

Tuy nhiên, cũng không nên chỉ trông chờ vào nhà trường khi mỗi thầy cô giáo còn mang nặng trách nhiệm giảng dạy văn hóa, kiến thức cho học sinh. Mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình cũng cần góp sức mình để mang lại giá trị thực cho sự an toàn của con em mình. Vai trò nêu gương của người lớn, dạy cho con kỹ năng sống không thầy cô nào tốt hơn chính những người lớn trong gia đình.

 

 

Lời khuyên của Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á Greig Craft

 

Theo ông Greig Craft, lớp học là nơi lý tưởng để hướng dẫn và khuyến khích sử dụng mũ bảo hiểm. Kiến thức về hành vi tham gia giao thông an toàn của trẻ sẽ được tăng cường nếu giáo viên và bố mẹ cùng cung cấp thông điệp giống nhau. Một số cách sau theo ông Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á có thể giúp tăng tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm ở học sinh.

 

Với nhà trường

 

Phối hợp với công an địa phương: Thảo luận với công an địa phương về mục đích tăng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và đề nghị họ giúp đỡ trong việc thực thi. Có công an giám sát tại cổng trường sẽ cải thiện việc sử dụng mũ bảo hiểm hiệu quả.

 

Đếm số lần học sinh đội mũ bảo hiểm: Kết hợp việc đội mũ bảo hiểm như là một phần trong bảng thi đua của các bé bằng cách đếm số lần bé đội mũ bảo hiểm đến trường hàng ngày. Bé nào đội mũ bảo hiểm thường xuyên nhất có thể nhận được giải thưởng khích lệ vào cuối năm.

 

Họp phụ huynh: Hiệu trưởng của trường hoặc giáo viên có thể nói chuyện về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm tại các buổi họp phụ huynh hai lần mỗi năm. Nhà trường giải thích và kêu gọi phụ huynh bảo vệ con em mình bằng cách đội mũ bảo hiểm mỗi ngày khi đưa trẻ đến trường. Nếu trong số phụ huynh có gia đình có con thiệt mạng do tai nạn giao thông, hãy mời họ chia sẻ về những mất mát của gia đình họ.

 

Qui định đồng phục: Sửa đổi qui định đồng phục để mũ bảo hiểm trở thành một phần thiết yếu của bộ đồng phục của tất cả học sinh. Khi tư vấn cho phụ huynh mua đồng phục sẽ bao gồm cả thông tin về nơi có thể mua được mũ bảo hiểm chất lượng cao cho học sinh.

 

Với gia đình

 

Ở Việt Nam, trẻ em ngồi xe máy tham gia giao thông từ rất sớm, thậm chí trước cả khi bé biết nói hay thắc mắc. Trẻ em thường chú ý tới các thói quen hàng ngày của bố mẹ và học hỏi những hành vi lặp đi lặp lại này. Đây là lý do quan trọng vì sao các bậc phụ huynh phải làm gương cho con và luôn thực hiện tốt hành vi tham gia giao thông an toàn.

 

Chính bởi vậy, cha mẹ hãy luôn đội mũ bảo hiểm để con nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng mũ bảo hiểm ngay từ khi còn nhỏ.

 

- Theo Ban An toàn giao thông Hà Nội, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở các trường tiểu học đạt thấp nhất so với khối THCS và THPT. Cụ thể ở quận Ba Đình đạt 9%, quận Đống Đa đạt 7,3% và quận Cầu Giấy là 11,4%.

 

- Tại các thành phố lớn nhất của Việt Nam tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm chỉ chiếm 18% trong khi tỷ lệ người lớn đội mũ bảo hiểm là 89%. Hàng năm có hơn 3000 trẻ em thiệt mạng và hàng chục ngàn trẻ em bị chấn thương nghiêm trọng khi tham gia giao thông ở Việt Nam