Phát huy vai trò cảnh sát khu vực bảo đảm ATGT

08:45, 26/04/2013

Những đặc thù của các đô thị trực thuộc trung ương đã đặt ra những vấn đề trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Điều này khiến cho những giải pháp mà Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã và đang tiến hành phải vừa linh hoạt, hiệu quả, lại vừa có tính chiến lược.

Hội thảo chuyên đề công tác bảo đảm TTATGT đô thị vừa được Tổng cục Cảnh sát QLHC về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) tổ chức. Tại hội thảo, các ý kiến đã đi sâu phân tích tính chất đặc thù, cũng như các kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH. Theo Đại tá Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH được bố trí tổ chức ở nhiều cấp, rộng khắp ở tất cả các địa bàn, đặc biệt là ở các đô thị, nơi có nhiều phức tạp về an ninh trật tự, phức tạp về TTATGT.

 

Tuy nhiên, tại một số đô thị lớn còn ban hành quy định về giao thông tĩnh, công tác quản lý vỉa hè, lòng đường, điểm dừng đỗ cho các phương tiện chưa nhất quán, không phù hợp với tình hình thực tiễn và cơ sở hạ tầng giao thông tạo sự bất cập trong quá trình thực hiện. Việc giải quyết các tụ điểm phức tạp về TTATGT, trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giao thông, họp chợ, vi phạm hành lang ATGT chưa hiệu quả có một phần nguyên nhân chủ quan do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự vào cuộc, còn trông chờ vào lực lượng công an.

 

Đề cập đến vấn đề nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của lực lượng Cảnh sát khu vực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, lãnh đạo Phòng CSTT Công an TP Hà Nội cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là điều tra cơ bản tuyến đường, địa bàn trọng điểm có vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giao thông trái phép, qua đó phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý. Cũng với biện pháp này, thường xuyên phối hợp với CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự thông báo, trao đổi, rà soát, bổ sung danh sách đối tượng vi phạm luật giao thông, các đối tượng có tiền án, tiền sự về đua xe trái phép, lạng lách đánh võng, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp phối hợp quản lý giáo dục, răn đe, ký cam kết không tái phạm.

 

Năm 2012 lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã huy động 199.719 lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm hành chính. Ra quyết định xử phạt 1.606.000 trường hợp vi phạm; Cảnh cáo 2.501 trường hợp, cưỡng chế giải toả 1.717 trường hợp vi phạm, tạm giữ: 1.865 ôtô, 35.902 xe máy, 80.603 đồ vật như: mái che, ô dù, biển quảng cáo và giấy tờ xe.

 

Trong khi đó, đại diện Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh lại đưa ra ý kiến, do là đô thị lớn, đông dân cư, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là các quận ven và huyện ngoại thành. Vì vậy, không chỉ ở cấp thành phố mà cấp phường, thị trấn cũng cần có lực lượng Cảnh sát trật tự để đáp ứng yêu cầu công tác giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông đô thị.

 

Đại diện Phòng Cảnh sát trật tự Công an TP Hải Phòng thì cho rằng, những người sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - quảng cáo trên vỉa hè, nơi công cộng là đối tượng chủ yếu vi phạm các quy định về giao thông đô thị. Phần lớn họ sinh sống, hành nghề hoặc công tác ở liền mặt đường, do đó họ cũng là chủ thể bảo đảm giao thông đô thị. Vì vậy, cần tuyên truyền, vận động, giáo dục để người dân thấy được trách nhiệm của mình và tự giác trong quản lý vỉa hè, lòng đường và tổ chức cho các chủ thể ký cam kết giữ gìn trật tự đô thị, trật tự công cộng.

 

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về trật tự an toàn xã hội cho rằng, thời gian tới cần quán triệt trong toàn lực lượng về việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trên lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Chỉ đạo lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ là CSTT, CS113, Cảnh sát khu vực, Công an Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận tổ dân phố, cụm dân cư và người dân bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.