Xe quá tải - phải xử lý từ gốc

10:16, 23/04/2013

Nhiều năm qua, tình trạng xe chở quá tải trọng phá nát cầu đường, gây mất ATGT ở TP Hồ Chí Minh vẫn không thể xử lý dứt điểm bởi chưa có giải pháp hạn chế vi phạm từ gốc.

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện nhiều tuyến đường trọng điểm đang bị hư hại, mà một trong những nguyên nhân chính là do xe quá tải. Điển hình như đường dẫn vào cảng Cát Lái (quận 2) Xa lộ Hà Nội và QL1A đoạn qua thành phố, nhiều đoạn mặt đường bị lồi lõm, “sống trâu”. Hay đường Đồng Văn Cống đoạn hơn 2km từ cầu Giồng Ông Tố 2 (tỉnh lộ 25B cũ) là tuyến đường duy nhất dẫn vào cảng Cát Lái, do lưu lượng xe container ra vào cảng luôn ở mức cao, nên đã dẫn đến sụt lún mặt đường nhiều vị trí. “Đoạn đường Đồng Văn Cống chạy vào cảng Cát Lái lún rất nhiều, chúng tôi mong các cơ quan chức năng nhanh chóng sửa lại phần đường nhựa để giảm thiểu tai nạn giao thông”, anh Phạm Cao Trí, cư ngụ ven tuyến đường này nói.

 

Tương tự, gần chục năm qua, trên QL1K dài gần 10km chạy qua TP Hồ Chí Minh xe ben chở đá quá tải trọng hoạt động bất kể ngày đêm. Hàng ngày, từng đoàn xe ben xuất phát từ mỏ đá Tân Đông Hiệp (xã Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương) ra QL1K là phóng ào ào, các phương tiện khác đều phải nép vào sát lề né tránh. Các xe này đều chất đầy ụ đá, che chắn rất sơ sài làm rơi vãi đất đá gây bụi mù mịt, nguy hiểm rình rập các phương tiện lưu thông khác.

 

Ông Lê Văn Tuấn - Đội trưởng Đội TTGT số 5 cho biết: Trong hơn 3 tháng đầu năm, trên tuyến QL1A và Xa lộ Hà Nội, Đội đã phối hợp với lực lượng CSGT lập biên bản 960 trường hợp chở quá tải, tạm giữ GPLX 30 ngày là 629 trường hợp, 60 ngày là 301 trường hợp. Việc xử lý xe quá tải, ngoài biện pháp cân xe, lực lượng chức năng thường quan sát và khi thấy xe nào có dấu hiệu chở quá tải thì TTGT, CSGT tiến hành kiểm tra, đối chiếu hóa đơn hàng trên xe với tải trọng cho phép của xe. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay không còn phát huy hiệu quả vì chủ hàng thường xuất hóa đơn giả tại nơi lấy hàng như: các cảng, nơi nhận hàng... thậm chí tài xế còn cố tình không xuất trình hóa đơn, nên rất khó xử lý.

 

Hơn nữa, khi phát hiện xe vi phạm cũng chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm hành chính và đành thả xe chứ không thể hạ tải vì không có kho bãi lưu hàng. Thời gian qua, thành phố đã cho tách làn xe ôtô với xe gắn máy trên QL1A, Xa lộ Hà Nội. Ngoài ý nghĩa tích cực về mặt trật tự ATGT thì việc lắp đặt dải phân cách vô hình chung đã trở thành bức tường “che chắn” các loại xe tải, xe container vi phạm Luật Giao thông vì mật độ lưu thông dày đặc, nếu kiểm tra phương tiện ngay trên làn xe ôtô ngay lập tức sẽ gây ùn tắc kéo dài.

 

Theo ông Tuấn, để nâng cao hiệu quả xử xe ôtô chở quá tải, phải thắt chặt quản lý, kiểm tra ngay tại những cảng cung cấp, xếp dỡ hàng hóa, để vi phạm được giải quyết ngay từ điểm xuất phát. Nếu làm tốt việc này, thì vấn đề hạ tải, bảo quản hàng hóa sẽ được thực hiện dễ dàng và không phát sinh chi phí. Ngoài ra, phải có giải pháp căn cơ ràng buộc trách nhiệm của các cảng biển; buộc các đơn vị quản lý cảng phải cho phép lực lượng chức năng vào tận nơi để kiểm tra, ngăn chặn vi phạm từ “gốc”.

 


 Gia tăng nạn lắp lốp xe tải quá cỡ

 

Dù mức xử phạt đối với hành vi lắp bánh lốp xe ôtô không đúng kích cỡ đã được nâng từ 300.000 - 500.000 đồng lên mức 800.000 - 1.000.000 đồng (theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP) nhưng hiện nay vi phạm này vẫn khá phổ biến.

 

Khảo sát trên tuyến QL18 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi phát hiện nhiều xe chở quá tải lắp lốp sai kích cỡ được lực lượng CSGT phát hiện, xử lý, như trường hợp xe chở quá tải 34L - 010.15, 98C - 004.55 chỉ số lốp theo sổ kiểm định là 750 nhưng thực tế lại lắp lốp cỡ 825; xe 16M - 6237 quy định chỉ số lốp là 11.000 những lắp lốp cỡ 12.000... Ngày 12/4, trên QL18 đoạn qua TX Chí Linh, tỉnh Hải Dương, CSGT phát hiện xe tải 36L - 035.04 chỉ số các lốp là 12.000 trong khi chỉ số lốp trong sổ đăng kiểm kỹ thuật chỉ là 11.000, xe trọng tải 5 tấn 54N - 2122 chỉ số các lốp xe là 825-20 thay vì 825-16 như ghi trong số đăng kiểm... Giải thích nguyên nhân lắp lốp xe to hơn, tài xế xe 36L - 035.04 Quách Mạnh Tường (xã Thành Long, Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết, xe thường chở vượt 20-30% tải trọng cho phép, nên phải lốp xe to hơn mới lâu bị mòn, cũng như đề phòng xe bị nổ lốp. Còn lái xe 54N - 2122 Nguyễn Văn Khanh (xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết, lốp xe được thay sau khi đã kiểm định và đây là lốp được Công ty giao cho để lắp.

 

Đại úy Đào Trường Giang - Phó đội trưởng Đội TTKS số 1, Phòng CSGT Hải Dương cho biết, hầu hết những trường hợp lắp sai kích cỡ lốp xe đều là xe tải nặng, xe chở container và nhằm mục đích chở quá tải trọng. Nhiều trường hợp cùng với việc lắp lốp lớn hơn xe còn độn nhíp, gia tăng kết cấu khung xe, nới thùng hàng để chở được thêm nhiều hàng hóa.

 

Thiếu úy Lê Văn Cương - CSGT Đội TTKS số 1 thuộc Phòng CSGT Quảng Ninh cho biết, trên QL18 đoạn qua TP Uông Bí phổ biến tình trạng xe tải nặng lắp bánh lốp vượt quá kích cỡ tiêu chuẩn, nhằm mục đích để chở quá tải và cũng là nguyên nhân làm xuống cấp đường sá.