Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Những chuyển biến tích cực

15:10, 01/04/2013

Hạn chế TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia (đồ uống có cồn) trước khi tham gia giao thông, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp với xử lý vi phạm làm thay đổi nhận thức để chuyển thành hành vi đang được triển khai ở nhiều địa phương.    

Đồ uống có cồn làm suy giảm khả năng phán đoán, hạn chế các kỹ năng điều khiển phương tiện gây nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Trước đây, trong quy định của pháp luật chỉ cho giới hạn một lượng rất nhỏ, song hiện nay Luật GTĐB và Nghị định 34, sau này là Nghị định 71 đều quy định cấm hoàn toàn đối với người điều khiển ô tô và người điều khiển xe máy cũng chỉ được dùng một lượng nhỏ đồ uống có chất kích thích này.

 

Thế nhưng, hàng ngày vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, trong khi việc phát hiện, xử lý còn nhiều bất cập, nên tình trạng TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn không hề giảm cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt, gia tăng nghiêm trọng trong các dịp lễ, Tết... Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), TNGT  liên quan đến bia rượu chiếm khoảng 6,7% trong tổng số TNGT. 28% người điều khiển phương tiện giao thông bị thương tích có sử dụng rượu bia; 33,8% tử vong do TNGT được xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu, trong đó có 71% nạn nhân lái mô tô, xe gắn máy.

 

Nhằm hạn chế TNGT nói chung và liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, trong những năm qua các cấp các ngành đã tăng cường tuyên truyền kết hợp với xử lý nhằm hạn chế TNGT liên quan đến vi phạm này bên cạnh những xử lý những vi phạm khác. Dự án tăng cường ATGT trên các tuyến QL phía Bắc do Jica tài trợ, trong đó có trang bị máy móc thiết bị, tập huấn kỹ năng, tuyên truyền pháp luật cho người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cải thiện môi trường ATGT cho người dân sống dọc các QL3, 5, 10, 18... Thực hiện thí điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên một số tuyến QL5, 10, 18 đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương và Ninh Bình nhằm đánh giá thực chất về mức độ vi phạm để đưa ra giải pháp nhằm hạn chế vi phạm kéo giảm TNGT. Theo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt trước khi vào chiến dịch các phòng CSGT phối hợp cùng các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền về tác hại của đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện cũng như các quy định của pháp luật, đồng thời cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn của phòng CSGT cũng được thông báo đến người dân.

 

Qua gần 2 tháng triển khai ở các địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 864 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 1,15 tỷ đồng, tước GPLX gần 170 trường hợp, tạm giữ gần 250 phương tiện các loại. Trong cao điểm này tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 226 trường hợp, Ninh Bình 98 trường hợp, Bắc Ninh 69 trường hợp... Qua phân tích đối tượng vi phạm, lái xe chuyên nghiệp chiếm 32,5%, công chức viên chức chiếm 20,8%, ngành nghề khác chiếm 46,7%; độ tuổi từ 18 - 45 chiếm 78,5%, dưới 18 tuổi chiếm 1,85% và trên 45 tuổi chiếm 19,65%; người vi phạm điều khiển xe con là đối tượng vi phạm nhiều nhất với 36,8%, xe tải 19,4%, xe khách 2,3%, mô tô - xe gắn máy 41%. Vi phạm nhiều nhất được phát hiện trên quốc lộ với 36,1%, đường đô thị 27%, huyện lộ 14,7%, tỉnh lộ 14%, đường liên xã chiếm 8,2%.

 

Do đặc thù của từng địa phương nên lực lượng CSGT đã lên phương án kiểm tra và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, phương tiện kỹ thuật vừa bố trí công khai kết hợp với hóa trang và phối hợp với Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn trọng điểm và thời gian xảy ra nhiều vi phạm về nồng độ cồn như nhà hàng, quán bia, quán cóc, điểm dừng chân ở các bến xe... Công an tỉnh Quảng Ninh tập trung vào địa bàn trọng điểm như Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều, Quảng Yên... vào các thời gian từ 6h30”- 8h30”, 12h - 14h và từ 18h - 22h và đến sáng hôm sau; Ninh Bình tổ chức kiểm tra trên QL1A với 3 tổ, trong đó có 1 tổ lưu động;

 

Qua kết quả tổng hợp, vào thời gian từ 18h - 22h lực lượng chức năng kiểm tra trường hợp nào là trường hợp đó vi phạm và đây cũng là thời gian xảy ra TNGT nhiều nhất trong ngày. Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm CSGT Ba Hàng, Hải Dương cho biết: “Thông thường, chúng tôi tuần tra kiểm soát phát hiện phương tiện vi phạm các lỗi khác. Trong khi xử lý phát hiện người điều khiển phương tiện mùi rượu bia thì cần thiết bị đo mới có căn cứ xử phạt... thông qua dự án chúng tôi đã triển khai tuần tra kiểm soát và thực tế trên QL 5 đoạn qua Hải Dương phát hiện rất ít trường hợp tài xế có nồng độ cồn quá quy định, điều đó cho thấy ý thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực theo tiêu chí “ đã lái xe thì không uống rượu bia và đã uống rượu bia thì không lái xe”.