Người vi phạm được tự "giam" xe

09:50, 22/05/2013

Đang có nhiều ý kiến trái chiều về quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh để được tự giữ phương tiện giao thông vi phạm... vừa được Bộ Công an đề xuất khi chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

Lợi cho dân

 

Đúng vào thời điểm Hà Nội nóng như đổ lửa (có lúc lên đến 40oC), Nguyễn Văn Cường, sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế quốc dân cố gắng lo đủ tiền nộp phạt, để mau chóng nhận lại chiếc xe đang bị tạm giữ tại bãi giữ xe Bồ Đề (Quận Long Biên). Tại đây, tâm sự với chúng tôi, Cường xót xa: “Em vừa mua chiếc AirBlade 36 triệu, chưa treo biển đã vội phóng ra đường nên bị 141 giữ lại. Mới mấy ngày nằm phơi mưa nắng, em không nhận ra chiếc xe mới cóng nữa”.

 

Cũng sáng 21/5, trong bãi giữ xe Bồ Đề, chúng tôi gặp Trần Quang Phái, quê Hà Nam, sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng đang loay hoay tìm chiếc xe Wave giữa hàng ngàn chiếc xe bị tạm giữ. Dắt xe ra khỏi bãi, Phái phát hiện lốp xe xẹp lép, phải đạp một hồi lâu mới nổ máy được.

 

Theo tìm hiểu, tại Hà Nội có đến hàng nghìn xe vi phạm giao thông được thu giữ nằm chật kín các bãi giữ xe ở khu vực Pháp Vân, Mỹ Đình, Long Biên... Rất nhiều xe phải chịu cảnh phơi sương gió ngoài trời, không được che đậy dẫn đến hư hỏng, gỉ sét. Một cán bộ của Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp không tìm được chủ sở hữu xe bị tạm giữ, để lưu kho cả năm trời, sau phải bán đấu giá. Có trường hợp chủ xe đến giải quyết thì tiền giữ xe lên tới hơn chục triệu đồng...

 

Tại Hà Nội, có những bãi giữ xe đứng tên một đơn vị của nhà nước (Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) nhưng cũng có nơi là điểm giữ xe của tư nhân hay hợp tác xã. Thực tế, khi “khổ chủ” lấy xe vi phạm bị giữ ra mà có hư hỏng, mất mát cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ biết kêu ai. Nhưng có thể tới đây, những trường hợp như Cường và Phái sẽ không phải lo lắng cho xe của mình nữa nếu đề xuất của Bộ Công an được chấp nhận.

 

Lỗi không nghiêm trọng mới được tự “giam” xe

 

Tại cuộc họp thẩm định dự thảo do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu quan điểm: “Phương tiện giao thông vi phạm vẫn là tài sản hợp pháp của người dân. Việc tạm giữ mà bảo quản không tốt là xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân”.

 

Trong khi đó, Đại tá Trần Thế Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho rằng: “Quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh để được tự giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân bảo quản tốt tài sản của mình, tránh hư hỏng, lãng phí. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp vi phạm không quá nghiêm trọng mới được tự giữ xe. Những trường hợp đua xe, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng thì không thể giao xe cho họ giữ được”.

 

Ông Quân cho biết, Bộ Công an đang khẩn trương tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa nội dung dự thảo theo hướng quy định rõ ràng, chi tiết điều kiện nơi tạm giữ để bảo quản chặt chẽ, an toàn phương tiện, sớm trình Chính phủ ban hành”.

  

Có sợ “nhờn” luật

 

Xung quanh đề xuất mới mẻ này, một cán bộ ngành Tòa án chia sẻ: “Lâu nay, vấn đề tạm giữ phương tiện được coi là một trong những “biện pháp mạnh” để răn đe, ngăn chặn vi phạm. Chẳng thế mà nhiều người sẵn sàng bỏ giấy tờ, thậm chí “thỏa hiệp” với lực lượng thực thi công vụ để không bị giữ xe. Do đó, dư luận cũng lo ngại việc đưa ra quy định cho phép người vi phạm giao thông được tự giữ phương tiện sẽ khiến việc tuân thủ Luật Giao thông xấu đi”.

 

Ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ: Lâu nay, người vi phạm giao thông rất sợ bị giữ xe. Họ lo lắng xe bị giữ không được bảo quản tốt bởi trong biên bản tạm giữ phương tiện cũng không thể ghi chi tiết các bộ phận của xe... Những người mượn xe của anh em, bạn bè hoặc con cái sử dụng xe của bố mẹ cũng không dám chạy ẩu vì lỡ có bị giữ xe thì lúc đó cũng “khó ăn nói” với người thân. Bây giờ nếu cho người vi phạm tự giữ xe có thể họ sẽ bảo quản tốt phương tiện của mình nhưng cần kiểm soát được việc họ không tiếp tục sử dụng phương tiện.

 

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm không được phép sử dụng, lưu hành phương tiện. Thêm vào đó, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt”.

 

Mỗi năm tạm giữ 1.500 ô tô, gần 2 vạn xe máy

 Theo báo cáo của Bộ Công an, biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn hành vi vi phạm, tạo điều kiện để cơ quan chức năng xác minh tình tiết vụ vi phạm, trên cơ sở đó xử lý công bằng, nghiêm minh và đảm bảo hiệu lực thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một số quy định về biện pháp tạm giữ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa cụ thể (nơi tạm giữ, chế độ bảo quản tang vật, trách nhiệm quản lý...) gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tạm giữ và tạo bức xúc cho người dân. Hiện tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... mỗi năm tạm giữ khoảng 1.500 ôtô và gần 2 vạn môtô, xe gắn máy và các loại phương tiện khác. Số lượng tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ rất lớn nhưng điều kiện bảo quản kém nên bị giảm giá trị sử dụng, gây lãng phí lớn cho xã hội.

 Điều kiện để được tự giữ phương tiện vi phạm

 Theo dự thảo Nghị định, cá nhân vi phạm phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại địa bàn tỉnh, thành phố nơi xảy ra vi phạm; có nơi giữ, bảo quản phương tiện đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống cháy nổ và các điều kiện về bảo vệ môi trường; Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể giữ, bảo quản phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh do người có thẩm quyền tạm giữ quyết định nhưng không thấp hơn mức tiền sẽ bị xử phạt và được trả lại cho tổ chức, cá nhân vi phạm sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt; Trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt, khi đến thời hạn, số tiền đặt bảo lãnh sẽ bị xử lý để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

 Xe máy tạm giữ quá lâu, thanh lý không có người mua

 Trung tá Phạm Văn Hậu,  Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện còn gần 1.500 phương tiện vi phạm bị tạm giữ mà người vi phạm không đến giải quyết hoặc quá trình xác minh, gửi thông báo không tìm được chủ sở hữu. Những trường hợp này sẽ được làm thủ tục để thanh lý. Tuy nhiên, có những phương tiện (chẳng hạn như xe máy Trung Quốc), giá trị thấp, trong thời gian tạm giữ, xác minh... bị hư hỏng. Giờ mang ra đấu giá, thanh lý cũng chẳng có người mua.

 Được tự giữ phương tiện vi phạm thì tốt quá

 Chia sẻ với GTVT anh Phạm Xuân Hồng (Công ty CP Tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, trụ sở tại Hà Nội) nói: Phương tiện là tài sản của mình, chẳng ai có thể giữ gìn tốt hơn mình. Tiếp đó là sẽ tiết kiệm được một khoản phí trông giữ xe trong thời gian bị tạm giữ. Nhưng cần phải làm rõ những hành vi nào được tự giữ xe. Rồi vấn đề nộp tiền bảo lãnh thì thủ tục như thế nào? Nộp trực tiếp cho công an hay vẫn phải ra kho bạc.