Cảnh báo mất an toàn giao thông đường sắt

15:42, 08/06/2013

Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua địa bàn huyện Phổ Yên dài 16km; trong đó giao cắt với 9 đường ngang chưa có rào chắn hoặc đèn tín hiệu để báo cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, còn có 21 đường dân sinh giao cắt trái phép với đường sắt. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

Có mặt tại tuyến đường ngang giao nhau với đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên tại Km29+600, thuộc địa phận thị trấn Ba Hàng, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều xe qua lại, bao gồm cả xe tải chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, xe máy, xe đạp... Còn có cả người dân tụ tập ngồi nghỉ hóng mát ngay tại chân đường ray. Quan sát chúng tôi nhận thấy ở đường ngang giao nhau với đường sắt đã có hệ thống biển báo xa, biển báo gần nhưng chưa có vạch dừng và gờ giảm tốc. Anh Phạm Hải Quang, một hộ dân sống ở gần khu vực đường ngang, thuộc tiểu khu 6, thị trấn Ba Hàng cho biết: Ở khu vực giao nhau với đường sắt năm nào cũng xảy ra một vài vụ tai nạn, gây hư hỏng phương tiện và ách tắc giao thông, rất may là chưa có thiệt hại về người. Để giảm thiểu tai nạn, theo tôi nên có vạch dừng và gờ giảm tốc để giảm tốc độ các phương tiện tham gia giao thông.

 

 

Không chỉ tại đường ngang giao nhau với đường sắt tại Km29+600 mà đi tìm hiểu thực tế tại một số đường ngang khác trên địa bàn huyện, chúng tôi đều thấy có những mối nguy hiểm rình rập cả tàu lẫn người tham gia giao thông. Chẳng hạn như ở khu vực đường ngang Thanh Xuyên, xã Trung Thành Km24+465, người dân họp chợ căng bạt che khuất biển báo, tầm nhìn và che khuất tín hiệu đường bộ, gây mất an toàn giao thông. Bà con còn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để bán hàng, bất chấp mọi nguy hiểm cận kề. Mặt khác, mặt đường ngang lồi lõm, nhiều ổ gà gây mấy an toàn khi đi qua đường ngang. Tại Km26+889, đoạn qua địa phận xóm Cầu Tiến, xã Tân Hương, tầm nhìn đường bộ bị che khuất bởi cây cối xung quanh, làm người đi đường cảm thấy lo lắng khi phải đi qua. Anh Nguyễn Văn Tuyến, một lái xe tải ở xã Tiên Phong nói: Ngày nào tôi cũng đi qua đoạn đường này và cảm thấy rất mất an toàn vì đoạn đường ngang giao nhau với đường sắt bị che khuất tầm nhìn. Chỉ khi tàu đi gần đến nơi và kéo còi thật to tôi mới nghe thấy và biết sắp có tàu qua để dừng xe lại.

 

Ngoài 9 tuyến đường ngang được cấp phép, huyện Phổ Yên hiện còn có 21 đường dân sinh trái phép giao cắt với đường sắt tại các xã: Trung Thành, Tân Hương, Đồng Tiến và Hồng Tiến, rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, thành viên Ban An toàn giao thông huyện cho biết: Trước thực tế trên, chúng tôi đã đề nghị Công ty một thành viên quản lý đường sắt Hà Thái phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tiến hành chặt cây cối, lều quán, không cho người dân họp chợ, phát quang hành lang an toàn giao thông, đảm bảo tầm nhìn. UBND huyện Phổ Yên cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt đi qua thực hiện giải toả các công trình, cây cối trong phạm vi an toàn giao thông đường sắt; chỉ đạo phá bỏ đường dân sinh giao cắt trái phép với đường sắt.

 

Được biết, năm 2012, trên địa bàn huyện Phổ Yên xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt, gây hư hỏng tài sản, rất may là không có thiệt hại về người. Còn trong 5 tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt, trong khi đó trên cả nước con số này chỉ là 15 vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông không chịu quan sát. Ông Nguyễn Hà Cương, nhân viên gác ghi Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Hà Thái cho biết: Mỗi ngày, chúng tôi phải gác cho 2 lượt tàu khách và 6 lượt tàu hàng chạy qua địa bàn huyện. Làm công việc này đã 30 năm nay, tôi nhận thấy, có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, trong đó lỗi đa phần thuộc về ý thức của tham gia giao thông. Theo quy định, khi đến đường ngang dân sinh, người đi đường phải dừng lại cách đường sắt khoảng 5m để quan sát hai bên, khi chắc chắn không có tàu mới vượt qua đường sắt để tự bảo vệ mình, tránh những hậu quả đáng tiếc. Quy định là vậy song người dân thì vẫn còn rất chủ quan. Có người thấy tàu sắp đến đường ngang nhưng vẫn cố tình cho xe chạy qua. Có điểm người dân còn chui cả qua rào chắn để lách đi khi tàu đang gần kề.

 

Hiện nay, huyện Phổ Yên đang có nhiều dự án lớn được triển khai trên địa bàn như: Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án Tổ hợp khu công nghiệp Yên Bình, Dự án xây dựng Nhà máy điện tử Sam Sung Electronics, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ… Mật độ các phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao, không chỉ vào giờ cao điểm. Ông Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban An toàn giao thông huyện Phổ Yên cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Hà Thái và Sở Giao thông vận tải trình các cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng rào chắn, đèn tín hiệu để phục vụ giao thông qua lại với đường sắt được an toàn. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông đường bộ, đường sắt tới đông đảo người dân, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng kiên quyết xử lý không để phát sinh thêm đường ngang trái phép.