Khúc sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ

14:58, 14/06/2013

Mặc dù chưa có tai nạn chết người nào xảy ra, nhưng mỗi năm, trên khúc sông chưa đến 100m thuộc địa phận xóm Nghể, xã Nga My, huyện Phú Bình xảy ra hàng chục vụ tai nạn đuối nước khiến người dân ở đây luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo khi mà ngày ngày, họ và người thân của mình đều phải qua lại trên đoạn sông này…

Thực trạng xóm nghèo

 

Nga My là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Phú Bình, với 2.310 hộ dân, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ tới 32% (cao gấp gần 2 lần so với bình quân chung của huyện). Đây cũng là một trong 5 xã của huyện đang được tỉnh đề nghị Chính phủ xét công nhận là xã 135. Trong đó, xóm Nghể là một trong 10 xóm của xã (xã có 26 xóm) được đề nghị công nhận là xóm đặc biệt khó khăn. Xóm Nghể hiện có 97 hộ dân, với 420 nhân khẩu, được chia tách làm 2 khu vực rõ rệt: bên này sông (gắn với 25 xóm khác của xã) có 43 hộ, còn bên kia sông (giáp với xã Xuân Phương) có 54 hộ.

 

Với 18ha đất canh tác, phần lớn (15,5/18ha) lại nằm ở bên kia sông nên hầu hết các hộ dân bên này sông đều phải ngày ngày qua sông để cấy cày; còn các hộ bên kia sông thì lại sang bờ bên này để buôn bán và thực hiện các giao dịch cần thiết khác. Ngoài xóm Nghể, một số hộ dân ở xóm Đò trong xã cũng có đất nông nghiệp ở bên kia sông nên cũng phải qua sông để canh tác. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 5 đến tháng 11, nước sông Cầu lại dâng cao khiến việc qua sông của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khoảng thời gian này, nước lên xuống thất thường, có đợt chỉ 2-3 ngày là rút, nhưng cũng có khi kéo dài nửa tháng. Bởi thế, việc đi lại, sản xuất của bà con cả 2 bên bờ sông đều gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trên thực tế, ngoài việc đi qua sông để sang trung tâm xã, 54 hộ dân bên kia sông cũng có 2 sự lựa chọn khác: hoặc đi qua xã Xuân Phương, xã Úc Kỳ rồi đến Nga My; hoặc đi qua xã Kha Sơn, Đồng Tâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang), Hà Châu rồi đến Nga My. Tuy nhiên, cả 2 cách này đều phải đi đường vòng, đoạn đường dài khoảng 12-13km, nếu đi xe máy, nhanh cũng mất nửa tiếng, còn đi xe đạp thì mất cả giờ đồng hồ, trong khi đó, nếu qua sông bằng đò, người dân cả 2 bên bờ đều chỉ mất khoảng 5 phút (không kể thời gian ngồi chờ), còn nếu muốn ra trạm xá hay trung tâm xã chỉ mất khoảng 3km. Ngược lại, các xóm bên này sông, khi muốn đến Bệnh viện hay trung tâm huyện thì đi đò qua sông hiện cũng lại là cách tốt nhất vì họ chỉ phải đi khoảng 3-4km, thay vì phải đi xa hàng chục km như cách đi của người dân bên kia muốn sang bên này sông.

 

Những câu chuyện đáng báo động và giải pháp đặt ra

 

Dẫn chúng tôi “mục sở thị” đoạn sông mà ngày ngày bà con xóm Nghể vẫn phải đi qua bằng một chiếc đò không còn có thể đơn giản hơn, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nga My Dương Xuân Lại chợt nhớ ra, bảo: Chiều về, tôi phải đi sắm một cái lễ để đến cảm ơn người hôm trước đã cứu bà xã trên chính đoạn sông này. Ở xóm Nghể đã có không biết bao nhiêu vụ tai nạn đuối nước xảy ra mỗi năm, rất may là đều được phát hiện kịp thời hoặc do người đó biết bơi, có thể tự ngoi vào bờ nên chưa có thiệt hại nào về người. Dừng chân đợi đò, tình cờ chúng tôi gặp chị Tạ Thị Gái, Trưởng xóm Nghể. Chị Gái vốn là cô giáo, giờ đã nghỉ hưu, nhà ở bên kia sông. Biết chúng tôi là nhà báo, chị thể hiện rõ vẻ phấn khởi.

 

Chị bảo: Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, chúng tôi cũng đã kiến nghị, nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Rồi chị lấy chiếc điện thoại gọi cho người chèo đò, với giọng đầy phấn chấn: “Cháu ra đưa mấy chị nhà báo qua sông để tìm hiểu viết bài về xóm mình nhé”. Chừng 2 phút sau, một thanh niên da đen sạm, dong dỏng cao và còn khá trẻ đã có mặt đưa chúng tôi qua sông. Dòng sông hôm nay theo người lái đò không còn chảy xiết như mấy hôm trước nhưng chúng tôi thấy vẫn có một số đoạn chảy khá dữ dội. Ngồi trên thuyền, chị Gái chỉ lên đoạn kè bảo: Khoảng 1 tuần trước, nước dâng tới tận hàng gạch thứ 4. Nhìn theo hướng tay chị chỉ, tôi áng chừng nước sông khi đó phải cao hơn mực nước hiện tại hàng chục mét. Như vậy thì làm sao qua sông được? Tôi hỏi. -  Bởi thế, hôm 1-6, chúng tôi định tổ chức chung vui cho các cháu tại nhà văn hóa xóm nhưng vì không thể đưa các cháu bên kia sông sang bờ bên này nên xóm phải cử 1 thanh niên khỏe mạnh, bơi giỏi chèo thuyền qua sông để… mang kẹo về chia cho các cháu.

 

Mải câu chuyện với chị trưởng xóm, tôi không khỏi giật mình khi nhìn trên thuyền không có lấy 1 chiếc áo phao hay chiếc phao cứu sinh. Tôi hỏi người lái đò: Sao anh không trang bị áo phao hay phao cứu sinh? - Mấy năm trước, tổ chức Plan cũng đã cấp cho mỗi hộ dân trong xóm 1 áo phao và trang bị cho đò một số phao và áo phao, nhưng vì đò nhỏ quá, không có chỗ để nên tôi không mang theo. Người dân mỗi khi đi làm cũng không thể mang theo áo phao vì rất bất tiện. Ngồi trên đò, bà Nguyễn Thị Nguyên, năm nay đã 80 tuổi than: Khổ lắm cháu ơi! Ngày nào bà cũng 2 lần đi, 2 lần về trên đoạn sông này. Già như bà nếu bị rơi xuống nước thì làm sao bơi được vào bờ.

 

Đò cập bờ, chúng tôi dừng chân tại ngôi nhà gần nhất với dòng sông. Chủ nhà là ông Dương Văn Cua, sinh năm 1942. Vốn sinh ra ở làng quê nghèo này nên ông Cua là người hiểu hơn ai hết về nỗi vất vả mà bao đời nay người dân trong xóm phải trải qua. Ông chỉ cho chúng tôi xem vết ngấn vàng ố vẫn còn đọng lại trên tường ngôi nhà ghi lại dấu tích của trận lụt năm 2001. Mặc dù nằm cao hơn mực nước sông hàng chục mét, vậy nhưng năm đó, nhà ông và nhiều gia đình khác trong xóm vẫn bị ngâm nước cả tuần. Nước dâng cao, người dân cả 2 bên đều không thể qua sông được. Vì thế, lúa và cây màu không chăm sóc đúng lịch thời vụ nên năng suất đạt không cao. Cũng bởi vậy, chuyện thoát nghèo rồi lại tái nghèo là điều dễ hiểu, bởi đời sống của đại đa số người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xóm chiếm tới trên 55%.

 

Chuyện sang bờ có lẽ khổ nhất vẫn là những đứa trẻ, lúc có đò của xóm đưa sang còn đỡ, lúc hết giờ chèo đò, nhiều em phải tự chèo thuyền qua sông. Vào những ngày nước sông dâng cao, hoặc các em phải ở lại nhà người thân hoặc phải nghỉ học. Năm 2012, đã có 3 em trong lúc sang sông thì thuyền bị lật. Rất may, cả 3 em đều biết bơi nên đã thoát chết, chỉ có điều cặp sách và chiếc thuyền thì bị nước cuốn trôi. Ông Cua, chị Gái và nhiều người dân trong xóm còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều trường hợp suýt chết đuối trên đoạn sông chảy qua xóm mình mà họ biết. Gần đây nhất là trường hợp bố con anh Dương Văn Vượng khi gần sang đến bờ bên kia thì thuyền bị chìm. Rất may có người phát hiện và cứu vớt kịp thời nên cả 2 bố con đều thoát nạn… Chính vì hàng ngày phải đối mặt với sông nước nên ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em ở đây đã được bố mẹ dạy bơi để có thể tự cứu mình, cứu người khi gặp nguy hiểm.

 

Anh Lê Văn Lại, người lái đò của xóm tâm sự: Từ đời ông, đời bố, giờ đến tôi đều làm nghề lái đò phục vụ bà con trong xóm. Tôi làm nghề này đến nay cũng đã được 10 năm. Trung bình mỗi ngày tôi dành khoảng 8 giờ đồng hồ để lái đò, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Nếu không may xảy ra tai nạn thì tôi cũng chẳng có tiền đâu mà đền. Cũng đã một vài lần, Công an huyện về kiểm tra, yêu cầu tôi ngừng hoạt động vì không có chứng chỉ hành nghề và đò cũng không đảm bảo an toàn. Tôi thấy điều đó là hoàn toàn đúng và cũng đã nhiều lần muốn bỏ nghề nhưng trưởng xóm và bà con lại đến nói khó nên tôi đành tiếp tục làm. Theo chị Gái, nếu không có anh Lại lái đò, thì bà con không thể qua sông để đi làm được, vì có phải ai cũng biết chèo thuyền đâu. Mà qua sông bằng con thuyền bé tí teo còn nguy hiểm hơn con đò này rất nhiều. Tiền công trả cho anh Lại lâu nay được các hộ dân quy ra thóc. Theo thỏa thuận, 43 hộ dân bên này sông mỗi năm trả cho anh 25kg/hộ (vì đi nhiều, trung bình mỗi ngày 2 lượt đi, 2 lượt về), còn 54 hộ dân bên kia sông, mỗi năm trả 10kg. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hộ nào cũng trả đủ cho anh theo quy định. Cũng như bao người dân khác trong xóm, anh rất lo lắng cho tính mạng của người thân trong gia đình, nhất là các con anh khi mà ngày ngày đều phải qua sông. Chính anh cũng đã cứu được 4 người khỏi chết đuối trên đoạn sông này.

 

Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc đi lại của người dân xóm Nghể, theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nga My, việc xây dựng 1 cây cầu ở đây là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, trước mắt, khi chưa thể làm cầu thì đề nghị Nhà nước cấp cho 2 xóm: Nghể và Đò của xã mỗi xóm 1 con đò, đồng thời đào tạo nghề lái đò cho mỗi xóm 1-2 người để họ có thể hành nghề. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng tai nạn thương tích cho bản thân và người thân trong gia đình, đặc biệt, không để trẻ em tự chèo thuyền một mình qua sông. Đồng chí Lại hi vọng, cây cầu nối 2 bờ xóm Nghể sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất.

 

Anh Lê Văn Lại, người chèo đò ở xóm Nghể, xã Nga My: Vì bà con trong xóm, tôi có thể theo học để được cấp chứng chỉ hành nghề lái đò. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi không muốn làm nghề này nữa vì thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi nguy cơ về tai nạn luôn rình rập.

 

 

 

 

Chị Đặng Thị Ninh, xóm Nghể, xã Nga My: Tôi sinh ra ở đồng nội, nhưng lấy chồng ở đồng sông nên mỗi lần qua sông để đi làm ruộng, tôi rất sợ. Mấy hôm trước, khi qua sông, đò bị hục vào đá nên tôi bị ngã xuống sông, rất may có người cứu nên thoát chết. Kể từ hôm đó, tôi lại càng sợ qua sông. Tôi chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư cho xóm tôi một cây cầu để việc đi lại của người dân được thuận tiện.