Những cây cầu sắp sập trên quốc lộ 3

15:53, 26/06/2013

Quốc lộ 3 là huyết mạch giao thông từ tỉnh Thái Nguyên lên Cao Bằng, đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn dài hơn 100 km, trong đó có nhiều cầu yếu, nứt, lún có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn chưa quan tâm xử lý vấn đề này.        

Cầu yếu "cõng" xe quá tải gấp ba, bốn lần

 

Theo khảo sát, đánh giá của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Sửa chữa đường bộ 244 (Công ty 244, đơn vị quản lý quốc lộ 3), quốc lộ 3 trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn có 12 cầu yếu, được xây dựng cách đây đã hơn 50 năm. Những cây cầu này được xây dựng với kết cấu đơn giản, đến nay đã rất yếu, tải trọng tối đa chỉ từ 17 đến 20 tấn, nhưng có ngày phải "cõng" đến 200 lượt ô-tô quá tải trọng cầu từ ba đến bốn lần nên càng xuống cấp trầm trọng, có thể sập, gây tai nạn nghiêm trọng, ách tắc giao thông bất cứ lúc nào.

 

Cầu Chợ Mới là cầu dầm đơn giản, dài 68 mét, rộng bảy mét, trọng tải 20 tấn, cách đây gần mười năm đã xuất hiện những vết nứt ở mố cầu. Từ năm 2011, xe công-ten-nơ,ô-tô chở quặng có trọng tải lên tới hơn 70 tấn đi qua tăng đột biến, làm cho mặt cầu bị rạn nứt, bê-tông đầu dầm mố M1 bị vỡ, hầu hết các dầm ngang bị rạn nứt. Năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đã khẩn cấp xây dựng cầu mới ở bên cạnh để thay thế, nhưng do thiếu vốn, mưa lũ thường xuyên xuất hiện cho nên chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. Ðể chống sập, thời gian vừa qua Công ty 244 đã phải kè rọ đá đỡ toàn bộ dầm cầu nhịp N3, chêm chèn gỗ tạm thời dưới các dầm dọc và dầm ngang, lắp đặt biển báo "cầu yếu" ở hai đầu. Chỉ trong một buổi sáng đầu tháng 6-2013, chúng tôi chứng kiến hàng trăm xe kéo công-ten-nơ, ô-tô chở quặng nặng 60-70 tấn lặc lè qua cầu Chợ Mới. Cây cầu vốn già yếu rung lắc bần bật. Sợ cầu sập cho nên nhiều người và phương tiện chờ ô-tô tải nặng qua cầu rồi mới dám đi. Người dân sở tại lo ngại, tình trạng xe tải trọng lớn rầm rập đi suốt ngày đêm, cầu Chợ Mới có thể sập bất cứ lúc nào.

 

Ngược về phía Bắc Cạn, cách cầu Chợ Mới không xa, cầu Khe Thí dài 19,5 mét, có tải trọng 20 tấn, từ lâu đã xuất hiện những vết nứt mặt cầu, nứt hai mối hàn, nứt vỡ đầu dầm, bong bật tấm bản thép trượt. Khắc phục tình trạng này, đơn vị quản lý phải thay gối cầu thép bằng cao-su, đậy mảnh tôn lên khe co giãn đang bị vỡ rộng. Cầu Cao Kỳ dài hơn 11 mét bị vỡ bê-tông dầm chủ, phía đáy dọc dầm xuất hiện những vết nứt ngày càng rộng. Cầu Hòa Mục dài 14,5 mét, tải trọng 17 tấn, mũ trụ T1 bị nứt, mặt cầu nhịp N1 bị nứt dọc nên rất nguy hiểm. Cầu Bản Hùa dài 16,9 mét, trọng tải 20 tấn, bị nứt chéo đầu dầm chủ mố M1, đầu dầm chủ bị vỡ bê-tông, đáy và thân dầm xuất hiện nhiều vết nứt. Cũng như cầu Chợ Mới, bốn cây cầu này và hàng loạt cây cầu khác trên tuyến có thể sập, nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông bất cứ lúc nào. Thời gian vừa qua, Công ty 244 khắc phục bằng cách gia cố các thanh giằng, kê đệm tạm. Ðó chỉ là cách khắc phục chắp vá tạm thời theo kiểu "giật gấu vá vai", độ an toàn thì không có cơ quan chức năng nào dám khẳng định.

 

Từ lâu người dân tỉnh Bắc Cạn hãi hùng, coi xe công-ten-nơ, xe chở quặng chạy trên quốc lộ 3 là những "hung thần". Nhiều người thường xuyên lưu thông trên quốc lộ 3 tâm sự: Mỗi khi gặp xe công-ten-nơ, xe chở quặng chạy với tốc độ cao thì tốt nhất là dạt vào lề đường "né" cho "nó" chạy qua rồi mới đi tiếp.

 

Các xe công-ten-nơ, xe chở quặng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 3 thuộc địa phận tỉnh Bắc Cạn thời gian gần đây. Ngày 30-3, trên địa phận xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới, xe công-ten-nơ biển kiểm soát 15C- 048.61 đâm trực diện vào một xe tải đi ngược chiều làm hai xe hư hỏng nặng; chỉ sau đó một ngày (ngày 31-3) tại địa phận xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, một xe công-ten-nơ chạy với tốc độ cao, tài xế vào cua gấp không làm chủ tay lái đã lao xuống sông Cầu; ngày 7-5 một xe công-ten-nơ khi vào cua tại cầu Huyền Tụng, thị xã Bắc Cạn thì tự lật làm tắc đường nhiều giờ; rạng sáng ngày 16-5, một xe công-ten-nơ khác không làm chủ tốc độ đã đâm vào dải phân cách ngay giữa thị xã Bắc Cạn làm người đi đường bị một phen hoảng hồn. Trên đèo Giàng, đèo Gió, liên tục xảy ra các vụ xe công-ten-nơ bị lật, đổ... Mỗi vụ tai nạn xảy ra, lái xe phải gọi cần cẩu từ Thái Nguyên, Hải Phòng lên kéo, cẩu, nhiều vụ gây ách tắc, ùn ứ giao thông cả ngày.

 

Cầu sập,ai chịu trách nhiệm ?

 

Từ năm 2011, tỉnh Bắc Cạn đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn ô-tô quá tải, như tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở quá khổ, quá tải trên tuyến quốc lộ 3; tăng cường tuần tra kiểm soát. Sau khi tuyên truyền, ký cam kết nếu không chấp hành sẽ xử lý nghiêm. Nhưng trên thực tế, việc xử lý ô-tô quá tải không có hiệu quả. Hằng ngày người dân địa phương, người đi đường vẫn thấy các lực lượng chức năng của tỉnh làm nhiệm vụ trên quốc lộ 3, hầu hết các xe kéo công-ten-nơ, xe chở quặng bị chặn lại, lái xe chỉ bị kiểm tra giấy tờ trong giây lát... và lại tiếp tục hành trình trước sự bức xúc của dư luận. Nhiều lái xe thừa nhận, cả xe và hàng vượt gấp ba, bốn lần trọng tải của cầu yếu là rất nguy hiểm, còn "được" thì liều đi thôi, hy vọng cầu không sập khi xe mình đi qua.

 

Từ cuối tháng 5-2013, tỉnh Bắc Cạn thành lập tổ liên ngành bao gồm thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, yêu cầu hai đội tuần tra lưu động của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường tuần tra, xử lý xe quá tải trọng lưu thông trên quốc lộ 3. Theo quy định, để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ công trình đường bộ, trước hết là khắc phục nguy cơ sập cầu yếu, các xe quá khổ, quá tải phải bị xử lý nghiêm, hạ tải tại các địa điểm được tỉnh quy định. Nhưng trên thực tế, việc hạ tải không được thực hiện. Ngày 4-6 vừa qua, tổ công tác liên ngành, cân ô-tô biển kiểm soát 20C-010.68 chở quặng trên quốc lộ 3 tại địa phận xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) có trọng tải 72 tấn, gấp hơn bốn lần tải trọng của cầu; kiểm tra ô-tô biển kiểm soát 97C- 001.65 vi phạm về trọng tải thiết kế. Theo quy định, hai xe này phải bị hạ tải trước khi tiếp tục lưu thông, tuy nhiên việc này bị "lờ" đi. Ðáng chú ý là, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí có ngày lên đến vài trăm xe chở quặng, xe kéo công-ten-nơ nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ 3 với tải trọng gấp ba, bốn lần tải trọng của cầu, nhưng sau gần 20 ngày ra quân, tổ liên ngành hầu như chưa hạ tải trường hợp nào. Vì thế, dư luận có cơ sở khi cho rằng, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Cạn còn mang tính hình thức, nương nhẹ, thậm chí "thờ ơ" với tình trạng xe có trọng tải gấp nhiều lần có thể gây sập cầu bất cứ lúc nào.

 

Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các lực lượng chức năng phải kiên quyết xử lý, áp dụng hình thức xử phạt cao nhất đối với các trường hợp chở quá trọng tải nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông và kéo dài tuổi thọ của công trình đường bộ. Với sự nương nhẹ của các cơ quan chức năng ở địa phương, thực hiện không nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, khi xe quá trọng tải làm sập cầu trên quốc lộ 3 thuộc địa phận tỉnh Bắc Cạn gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội và đi lại của nhân dân thì những ai sẽ phải chịu trách nhiệm?