Nỗi đau còn đó

09:28, 01/06/2013

Mọi người thường nói rằng, thời gian là liều thuốc xóa đi mọi nỗi đau đớn, ưu phiền. Nhưng điều đó dường như không hiện hữu ở mảnh đất Cam Giá kể từ khi vụ TNGT xảy ra hơn hai năm trước tại Thường Tín (Hà Nội) cướp đi sinh mạng của 9 người đều là anh em, con, cháu trong một gia đình, dòng họ.

 

Khoảng 15h chiều ngày 30/3/2011, đoàn tàu SE8 từ T.P Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã húc vào xe chở khách đi ăn cưới ở huyện Thường Tín. 7 người tử nạn tại chỗ và 2 người khác chết trên đường tới bệnh viện, 7 người khác còn lại trên xe  đều bị chấn thương nặng phải đưa vào bệnh viện. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định do lái xe ôtô nghe điện thoại nên thiếu chú ý quan sát khi qua đường sắt không có rào chắn. Sau khi xét xử, bị cáo đã bị TAND huyện Thanh Trì tuyên mức án 9 năm tù giam.

 

 

 

 

 

 

Lý do khiến chúng tôi trở lại gia đình các nạn nhân TNGT ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) sau hơn một năm là bài luận của một học sinh Trường THPT Gang Thép. Trong bài luận của Nguyễn Thị Phương Thảo đọc trước cả trường về TNGT, em đã kể những câu chuyện rất thực về người bạn của mình Hà Thị Phương, về những ám ảnh của bản thân sau những gì đã chứng kiến về những mất mát, đau thương do TNGT gây ra.

 

 

Hai năm trước, vào ngày 30/3/2011, xảy ra đại tang ở mảnh đất Cam Giá, Thảo cùng tập thể lớp 11A10 đẫm nước mắt đến tiễn đưa người bạn xấu số về với bên kia cuộc đời. Hình ảnh người bạn thân thương ngày nào cứ hiển hiện trong tâm trí Thảo. Có lẽ cũng chính vì sự ám ảnh ấy mà mấy tháng sau cứ đêm nào nhắm mắt lại, Thảo lại thấy hình ảnh của Phương hiện về. Có một đêm trong giấc mơ, Thảo thấy Phương “đánh thức” để trò chuyện. Trong giấc mơ, có lần Phương tâm sự: “Mình muốn được tiếp tục đi học. Muốn được đến trường với các bạn và muốn có một bộ đồng phục màu trắng vì khi xảy ra tai nạn, bộ đồng phục của mình đã bị hỏng hết rồi…”. Những ngày sau đó, thỉnh thoảng Thảo lại rủ bạn bè đến nhà thắp hương cho Phương và động viên người cha bất hạnh của bạn giờ đang cô quạnh trong căn nhà trống vắng.

 

Chúng tôi trở lại Cam Giá cùng các anh chị ở Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên. Suốt đoạn đường dài không ai nói với ai lời nào bởi dường như ai cũng hồi tưởng về những mất mát quá lớn của vụ tai nạn ập đến 10 hộ dân nơi xóm nghèo này. Bước vào sân nhà ông Hà Văn Lý là không gian tĩnh lặng và buồn tẻ. Một gia đình xum vầy hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười trẻ thơ trước đây chỉ còn lại người đàn ông đang héo hắt. Hơn một năm trước, cuộc sống của vợ chồng ông Hà Văn Lý tuy chưa phải khấm khá nhưng cũng có của ăn của để và con cái đang dần trưởng thành. Đặc biệt là cô con gái ngoan hiền Hà Thị Phương đang học gần hết lớp 11 với bao ước mơ về tương lai. Vậy mà tai họa như trên trời rơi xuống khi có đến 4 thành viên trong gia đình ông ra đi không bao giờ trở về. Dẫn chúng tôi vào thắp nhang trước di ảnh của vợ và hai con gái, giọng ông nấc nghẹn. Ông bảo, từ hơn một năm nay, đêm nào ông cũng thấy hình ảnh của mấy mẹ con hiện về. Hôm thì ngồi ở trên giường, hôm thì ngồi trước cửa. Họ chỉ lặng lẽ nhìn ông, không nói lời nào và khóc. Những lúc ấy ông cũng khóc và muốn níu kéo họ lại. Nhưng cuối cùng đó chỉ là những ảo ảnh, hư vô.

 

Là trưởng họ và cũng là trưởng đoàn họ Lê tại Thái Nguyên về dự đám cưới ở Thường Tín (Hà Nội) trong vụ tai nạn kinh hoàng kể trên, ông Lê Văn Đàn là một trong số những người may mắn thoát chết nhưng vợ ông là bà Trương Thị Vi đã vĩnh viễn rời xa ông. Trong căn nhà giữa xóm nghèo ở phường Cam Giá, giờ đây ông Đàn cũng lại một mình sớm tối đi về. Ông kể, lúc tai nạn xảy ra, vì ngồi phía trước nên ông chủ động hơn nhưng cũng chỉ kịp ôm lấy mẹ mình là bà Vương Thị Hay năm nay đã ngoài 90 tuổi. Đến khi tỉnh lại trong bệnh viện ông chỉ thấy máu me đầy mình. Lúc biết có đến 9 người tử nạn ông đã không tin ở tai mình. Giờ đây cứ vào ngày 26/2 (âm lich), ông Đàn lại đau đớn đến từng gia đình là anh em, con cháu mình thắp nén nhang cho ngàyi giỗ chung của cả họ. Là người từng trải trong quân ngũ nhưng ông vẫn phải gồng mình để làm chỗ dựa tinh thần cho những người còn lại. Có lẽ điều day dứt nhất của ông Đàn là tình cảnh của người mẹ thân sinh ra ông, cụ Vương Thị Hay. Cụ Hay năm nay đã 91 tuổi, vốn là mẹ của hai liệt sĩ, vậy mà ngay trong thời bình cụ lại tiếp tục mất đi thêm ba người con và rất nhiều cháu, chắt khác. Ông Đàn kể: “Kể từ sau vụ TNGT kinh hoàng ấy, cụ nằm bất động và không nói được nữa. Có lẽ cũng vì đau đớn quá mà trở nên như vậy…”.

 

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá nhớ lại: “Đó là vụ tai nạn để lại hậu quả nặng nề nhất trên địa bàn từ trước đến nay. Sau khi sự việc xảy ra, các cấp chính quyền và xã hội quan tâm, đã giúp đỡ các gia đình nạn nhân nhưng mất mát là quá lớn lại chỉ liên quan đến những người thân trong một dòng họ nên gây ra sự hoảng loạn đối với những người thân còn sống. Vì vậy UBND xã đã thay mặt các gia đình đứng ra tổ chức tang lễ cho các nạn nhân. Sự việc xảy ra đã hơn một năm nay, dù đời sống vật chất dần ổn định trở lại, nhưng nỗi đau tinh thần vẫn chưa thể nguôi ngoai.