Nỗi lo trên các tuyến đường nông thôn ở Phú Lương

10:20, 15/06/2013

Tại các tuyến đường liên xã ở Phú Lương, tình trạng người dân không chấp hành quy định về an toàn giao thông (ATGT) hiện nay khá phổ biến, nhất là những quy định về đội mũ bảo hiểm, tốc độ, chở quá số người quy định… Trong khi hệ thống giao thông nông thôn dù đã được nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều điểm cua gấp khúc, thiếu biển báo hoặc chưa có đèn chiếu sáng buổi tối. Điều này khiến cho tai nạn giao thông tại các tuyến đường nông thôn ở Phú Lương có chiều hướng gia tăng.

Ngồi quan sát tại một quán nước ven trục đường liên xã Vô Tranh - Tức Tranh (Xóm Cây Thị, xã Tức Tranh, Phú Lương), chỉ trong 10 phút, chúng tôi đếm được hơn 20 xe máy đi qua. Quá nửa số người đi xe không đội mũ bảo hiểm. Một phụ nữ bịt khẩu trang kín mít, trên xe chở một bao tải lớn rẽ vào quán tôi đang ngồi mua vài đồ tạp hóa. Tôi hỏi: - Không đội mũ bảo hiểm chị không sợ bị công an kiểm tra, xử phạt sao? Chị bảo: “Mình đi hái chè, có hơn cây số nên chẳng tiện đội mũ bảo hiểm. Ở tuyến đường này chẳng mấy khi có công an đứng chốt, nếu có bị kiểm tra thì cũng xin được thôi. Toàn người quen, ai nỡ xử phạt nông dân đi làm đồng như mình chứ”.

 

Trao đổi câu chuyện trên với anh Phan Văn Tùng, Trưởng Công an xã Tức Tranh, anh Tùng thừa nhận: Đúng là các lỗi vi phạm của người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này rất phổ biến, nhất là lỗi không đội mũ bảo hiểm. Người dân có nhiều lý do biện hộ, rằng chỉ chạy một đoạn ngắn vài trăm mét đến 1-2 km, ra đồng hoặc ra chợ nên đội mũ không tiện hoặc đi các đường thôn xóm không phải đội mũ bảo hiểm lâu rồi thành quen. Ngoài ra, một số thanh niên không đội mũ bảo hiểm với lý do rất lạ là… sợ làm hỏng tóc. Việc xử phạt cũng nan giải bởi Công an xã chỉ được lập chốt kiểm tra vào các đợt cao điểm khi có chỉ đạo của Công an huyện. Cái khó khác của công an xã là đối tượng vi phạm phần lớn là người quen, lỗi vi phạm cũng không nghiêm trọng nên chỉ nhắc nhở.

 

Xã Cổ Lũng là địa bàn phức tạp về ATGT tại các tuyến đường nông thôn. Với gần 20km đường liên xã, 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng công an xã tổ chức được 18 buổi kiểm tra về giao thông, xử phạt 151 trường hợp với số tiền 16 triệu đồng. Anh Dương Công Đức, Trưởng Công an xã cho biết: Đây là tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế vi phạm, bởi không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng lập chốt để kiểm tra được. Ngoài không đội mũ bảo hiểm, các lỗi phổ biến khác là xe không có gương, đi không đúng phần đường, chở quá số người quy định… Về tai nạn giao thông, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 16 vụ va quệt, chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn.

 

Trung tá Trần Công Hà, Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự cơ động huyện Phú Lương cho biết: Việc không chấp hành các quy định về ATGT cùng với chất lượng nhiều tuyến đường nông thôn chưa đảm bảo, đoạn rộng, hẹp xen kẽ, lắm khúc cua đã dẫn đến nhiều vụ va chạm, trong đó có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Gần đây nhất, ngày 14-6-2013, tại km5 + 100m đường Ôn Lương - Hợp Thành thuộc xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý đã xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe ô tô tải BKS 20L-0910 do anh Nguyễn Minh Tuệ, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) với xe máy BKS 14P8-3962 do anh Đinh Văn Minh xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) điều khiển. Hậu quả, con trai anh Minh là cháu Đinh Văn Dũng ngồi phía sau xe máy bị ngã xuống đường dẫn tới tử vong. Nguyên nhân được xác định do anh Minh điều khiển xe máy đi lấn phần đường. Trước đó, ngày 22-1-2013 tại tuyến đường liên xã Giang Tiên - Núi Phấn thuộc địa phận xóm Tân Khê, xã Tức Tranh cũng xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe máy BKS 20H1-7458 do anh Lý Văn Nguyên, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh điều khiển đâm va vào xe máy BKS 20H2-0977 do anh Phan Văn Soạn ở xóm Thác Dài, xã Tức Tranh điều khiển. Hậu qua, ảnh Lý Văn Nguyên bị thương nặng và tử vong khi trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân do anh Phan Văn Soạn đi với tốc độ nhanh, không đúng phần đường. Cũng theo Trung tá Trần Công Hà, bên cạnh các vụ giao thông nghiêm trọng, còn có rất nhiều vụ va chạm nhỏ trên các tuyến đường nông thôn không được thống kê bởi người dân tự thỏa thuận, dàn xếp với nhau mà không báo với cơ quan chức năng.

 

Các tuyến đường nông thôn hiện nay thường được giao cho một số đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tự quản. Trên thực tế, các đoàn thể này chỉ tổ chức mỗi năm một đôi lần vệ sinh đường làng, ngõ xóm chứ chưa thể quan tâm đến việc đảm bảo trật tự giao thông. Việc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng cũng không được thường xuyên và chưa đủ sức răn đe. Do vậy, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức có lẽ là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu vi phạm, từ đó hạn chế các tai nạn giao thông đáng tiếc.