Đảm bảo an toàn cho các tuyến đường sắt

09:20, 03/07/2013

Toàn tỉnh ta hiện có gần 137km đường sắt, trong đó có gần 60km đường sắt Quốc gia, số còn lại là đường sắt chuyên dùng. Hệ thống đường sắt này đi qua 31 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh với 19 nhà ga và 59 đường nhà ga. Có 3 tuyến đường sắt là: Hà Nội – Thái Nguyên; Lưu Xá – Kép; Quan Triều – Núi Hồng và mạng đường sắt nội bộ của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Những năm gần đây, ngành đường sắt và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo trật tự ATGT trên toàn tuyến, tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT vẫn đáng lo ngại. Theo số liệu Ban ATGT tỉnh cung cấp, từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ TNGT đường sắt làm 13 người chết và 6 người bị thương. Riêng trong năm 2012, đã xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt, làm chết  2 người và bị thương 2 người. 6 tháng đầu năm nay cũng đã xảy ra 3 vụ tai nạn, làm 4 người bị thương. Ông Trương Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Tai nạn giao thông đường sắt thường xảy ra tại các đường ngang, nơi giao nhau giữa đường sắt với đường bộ.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong tổng số 68 đường ngang qua đường sắt, hiện chỉ có 22 đường ngang hợp pháp, được phép cho người và phương tiện qua lại, có hệ thống cảnh báo, bảo vệ (ba-ri-e, người gác) hoặc có hệ thống cảnh báo tự động, cảnh báo bằng biển báo nên ít xảy ra tai nạn giao thông. Số còn lại đều là đường ngang dân sinh không hợp pháp dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Vi phạm nhiều nhất tập trung ở tuyến đường sắt Quan Triều – Núi Hồng, đoạn qua huyện Đại Từ; tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, đoạn qua các phường của T.P Thái Nguyên như Quan Triều, Quang Trung…

 

Có mặt tại tuyến đường Việt Bắc (phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên), nơi có tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên đi qua, chỉ trong phạm vi khoảng 1km, chúng tôi thấy có đến gần chục đường ngang dân sinh không hợp pháp. Nhiều tuyến đường ngang còn được đổ bê tông rất chắc chắn.Bên cạnh việc mở đường ngang trái phép thì tình trạng người dân bất cẩn khi đi qua đường sắt, điều khiển phương tiện đâm vào dàn chắn, cần chắn; vi phạm về lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt… cũng vẫn diễn ra ở các địa phương. Nguyên nhân của tình trạng vi phạm này chủ yếu là do ý thức chấp hành Luật đường sắt của một bộ phận người dân chưa cao và việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thật sự kiên quyết.

 

Để ngăn chặn và giảm thiểu TNGT đường sắt, trong thời gian qua, các đơn vị của ngành đường sắt đóng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với công an các huyện, thành, thị; ngành Giao thông; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử lý, tổ chức giải tỏa nhiều  điểm vi phạm như: chặt cây xanh che khuất tầm nhìn của lái tàu, tháo dỡ lều quán, công trình vi phạm an toàn đường sắt. Cùng với đó là tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt đến mọi tầng lớp nhân dân, để họ hiểu và tự giác chấp hành Luật Đường sắt; khắc phục các yếu tố gây mất ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, cắm biển báo đúng và đầy đủ theo điều lệ đường ngang; xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách, hướng dẫn người và phương tiện giao thông đi lại qua vị trí đường ngang hợp pháp, không để tình trạng người dân tự mở mới đường ngang trái phép qua đường sắt. Đồng hành với đó, các đơn vị thuộc ngành đường sắt đã phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, tổ chức ký cam kết với các xã, phường có đường sắt chạy qua, không chăn thả trâu bò trên đường sắt, không đặt chướng ngại vật, trộm cắp thiết bị đường sắt và các thiết bị an toàn toa xe. Qua những việc làm cụ thể trên, bước đầu đã ngăn chặn được tình trạng vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu TNGT đường sắt trên địa bàn.