Tuyên truyền nâng cao nhận thức là quan trọng

08:47, 02/07/2013

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 570 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 199 người, bị thương hơn 600 người. Đáng chú ý, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do các lỗi chủ quan như: Đi không đúng phần đường, làn đường; vượt sai quy định; uống rượu bia khi tham gia giao thông… Có đến gần 50% đối tượng gây TNGT ở độ tuổi thanh niên (từ 18 đến 27 tuổi).

Người dân xóm Tân Hòa, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đến giờ vẫn không quên vụ TNGT kinh hoàng xảy ra dịp giáp Tết Nguyên đán năm 2012 làm 3 thanh niên tử vong. Cả 3 ngồi trên một xe máy đi với tốc độ cao đã đâm trực diện vào một xe tải đang đỗ ven đường. Vụ va chạm quá mạnh khiến cho các nạn nhân văng ra xa, có người bay hẳn xuống ruộng, chiếc xe máy bị biến dạng hoàn toàn. Kiểm tra hiện trường cho thấy, cả 3 người đều không đội mũ bảo hiểm, người cầm lái chưa đến tuổi được cấp Giấy phép lái xe. Những người quen của nạn nhân cho biết, trước đó những thanh niên này đã uống rượu khá nhiều với lý do liên hoan “rửa” xe mới.

 

Những vụ TNGT nghiêm trọng như thế xảy ra không hiếm trên trục Quốc lộ 3 qua địa phận huyện Phú Lương. Có điều tưởng như nghịch lý là đoạn đường thẳng, rộng và thoáng nhất từ khu vực chợ chè Gốc Bàng, xã Phấn Mễ đến tiếp giáp thị trấn Đu lại là khu vực xảy ra nhiều TNGT nhất. Trung tá Trần Công Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội huyện Phú Lương cho biết: Do đường thẳng, ít chướng ngại vật nên người tham gia giao thông đi qua khu vực này thường có tâm lý chủ quan, đi với tốc độ nhanh và ít quan sát. Khi xảy ra tình huống bất ngờ thì xử lý không kịp dẫn đến tai nạn. Thêm vào đó, nhiều người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ theo hình thức chống đối, không cài quai nên mức độ tai nạn càng trở nên nghiêm trọng.

 

Trên địa bàn tỉnh ta, Thành phố Thái Nguyên luôn là địa phương dẫn đầu về TNGT. 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 52 vụ TNGT làm 9 người chết, 49 người bị thương. Về nguyên nhân tai nạn, hầu hết đều là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Điển hình, ngày 28-4, trên đường Cách mạng Tháng Tám đoạn thuộc Tổ 4, phường Gia Sàng đã xảy ra vụ va chạm giữa xe máy BKS 16K-0490 do Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1991 điều khiển với ô tô BKS 20L2-8479 do Trần Văn Tùng (cùng ở tổ 21, phường Cam Giá) điều khiển khiến Nguyễn Thanh Tùng bị tử vong tại chỗ. Nguyên nhân tai nạn do Trần Văn Tùng đi ngược chiều đường (vi phạm Khoản 1, Điều 9, Luật Giao thông đường bộ) và có nồng độ cồn trong người cao hơn so với quy định. Vụ việc đang trong quá trình điều tra để đề nghị khởi tố. Một vụ tai nạn khác cũng do lỗi chủ quan là vào ngày 22-1, ô tô BKS 20A-03671 do anh Lê Đắc Uyn, Tổ 14, phường Gia Sàng điều khiển đã va chạm với xe máy BKS 20N3-3918 do Nguyễn Đình Tâm ở phố Giang Khánh, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) điều khiển khiến anh Tâm bị thương nặng. Ở trường hợp  này, anh Lê Đắc Uyn đã phạm lỗi chuyển làn đường khi không quan sát, không nhường đường cho xe ngược chiều và nồng độ cồn trong người vượt quá quy định. Trong khi đó, Nguyễn Đình Tâm cũng điều khiển xe quá nhanh trên đoạn đường hạn chế tốc độ. Thượng úy Hoàng Ngọc Sơn, Đội Hình sự, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Những vụ tai nạn có mức độ thương tích trên 21% hoặc có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển qua Đội hình sự để xem xét và đề nghị khởi tố theo quy định.

 

Nhằm từng bước kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức cho người tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Ban ATGT tỉnh cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện. Tính trong năm 2012, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Báo Thái Nguyên đăng tải 76 tin bài, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng 54 chuyên mục về ATGT. Cùng với đó Ban cũng phát đĩa CD cho các xóm, bản để phát trên hệ thống loa truyền thanh, treo các áp phích, biểu ngữ về giao thông, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ qua hình thức sân khấu hóa… Một hình thức tuyên truyền hiệu quả mà cảnh sát giao thông các huyện áp dụng trong vài năm trở lại đây là đến tận các xóm, bản để phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Trực tiếp dự một buổi tuyên truyền tại xóm Tiếp Tế, xã Sơn Phú (Định Hóa) chúng tôi mới thấy hết nhu cầu và hiệu quả của hình thức tuyên truyền này. Thông qua những hình ảnh trực quan, bà con đã được thông tin về tình hình TNGT trên địa bàn, lỗi vi phạm giao thông phổ biến, cũng như những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ. Chị Phương Thị Thắng, xóm Tiếp Tế cho biết: Nhờ buổi tuyên truyền, tôi nắm được những quy định của Nhà nước về việc nghiêm cấm xe tự chế, xe đầu dọc ở những nơi nào, hình thức và mức độ xử phạt vi phạm ra sao? Đây là điều rất hữu ích bởi gia đình tôi cũng như nhiều nhà khác trong xóm thường xuyên sử dụng xe đầu dọc để vận chuyển nông sản và phân bón. Mặc dù hiệu quả nhưng số buổi tuyên truyền về ATGT ở các xóm, bản như vậy vẫn còn hạn chế. Năm 2012, huyện Định Hóa tổ chức được hơn 20 buổi, trong khi huyện có đến 435 xóm, bản. Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội (Công an huyện Định Hóa) cho biết: Lý do công tác tuyên truyền này còn chưa được như mong muốn là thiếu lực lượng, cả Đội có 7 người, trong đó 2 người được phân công làm tuyên truyền, nhưng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác như hành chính, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết các vụ TNGT...

 

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, hầu hết các Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội các huyện đều có chung tình trạng thiếu lực lượng so với thực tế công việc. Việc phối hợp giữa công an với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để tuyên truyền về ATGT cũng còn hạn chế. Rõ ràng, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết và ý thức của người dân khi tham gia giao thông đã được quan tâm song chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, điều này đang rất cần sự tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng.