Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi lần thứ 6 Nghị định 71 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Một trong những điểm khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua đó là, Bộ GTVT đã không đưa vào Dự thảo, quy định xử phạt đối với các hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (xe không chính chủ) và hành vi đội MBH rởm.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo chí đã có cuộc phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng, Q.Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết, lý do vì sao Bộ GTVT đã không đưa quy định xử phạt đối với các hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (hay còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm “rởm” vào trong Dự thảo Dự thảo sửa đổi lần thứ 6 Nghị định 71, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT. |
Ông Khuất Việt Hùng: Chủ trương của Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan soạn thảo văn bản là làm sao những quy định xử lý vi phạm phải đảm bảo tính khả thi. Việc khả thi ở đây bao gồm ở 2 phía, thứ nhất là mức phạt phải phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội của người dân, của những người bị xử lý vi phạm. Thứ hai là hành vi vi phạm phải là hành vi dễ phát hiện, dễ xác định, không gây tranh cãi, để đảm bảo hiệu hiệu quả của các cơ quan chức năng khi xử lý vi phạm.
Ví dụ bây giờ một đồng chí CSGT giữ một người vi phạm được cho là đội mũ bảo hiểm giả. Khi đó, để chứng minh chiếc mũ ấy là mũ giả sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó thì tại địa bàn đồng chí CSGT đó quản lý có rất nhiều hành vi vi phạm cần phải xử lý khác, thậm chí có hành vi còn nghiêm trọng hơn hành vi đội mũ bảo hiểm giả. Do đó, chủ trương của Bộ GTVT là làm sao để vừa đưa ra được những biện pháp xử lý vi phạm phù hợp với điều kiện KT-XH, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan thực thi công vụ trong việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Hiện nay việc chuyển quyền sở hữu và đăng ký chính chủ phương tiện đang được Bộ Công an triển khai rất quyết liệt. Nếu sắp tới, chúng ta không có chế tài xử phạt thì chắc chắn kết quả của việc đăng ký chính chủ sẽ bị ảnh hưởng. Vậy quan điểm của Bộ GTVT về việc này như thế nào, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Vấn đề này các cơ quan cũng đã có nhiều ý kiến. Ở đây tôi xin nêu ra nguyên tắc chung là chúng ta tập trung vào xử lý những lỗi tường minh, tăng hiệu quả, hiệu lực của những người thực thi công vụ và đặc biệt tránh một số trường hợp cá biệt người thực thi công vụ lợi dụng để gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT đối với các vụ chức năng khi soạn thảo Nghị định, thì trước mắt sẽ không xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, cho đến khi chúng ta có được điều kiện tốt nhất về mặt cơ sở dữ liệu cũng như để cho người dân đang trong quá trình làm thủ tục chuyển quyền sở hữu... Chỉ đến khi điều kiện phù hợp thì chúng ta sẽ điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định cho phù hợp.
Ngoài ra, theo tôi được biết Bộ Tư pháp cũng đưa ra một phương án, đó là chỉ xe nào khi gây ra tai nạn thì lúc đó mới truy cứu đến nguồn gốc xe có chính chủ hay không. Tôi nghĩ rằng đấy cũng là một phương án. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cả phương án của Bộ Tư pháp, khi các thành viên Chính phủ thống nhất phương án nào thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định theo hướng như vậy.
Trong Dự thảo sửa đổi lần này, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến việc tăng nặng xử phạt một số hành vi vi phạm như là đua xe, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia khi tham gia giao thông. Lý do của việc tăng mức xử phạt này là gì thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Như chúng ta đã biết, những vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua, đa số là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, uống rượu bia khi tham gia giao thông, sử dụng chất kích thích dẫn đến thần kinh không đảm bảo khi tham gia giao thông… Vì vậy mà chúng ta tập trung xử lý những hành vi này cũng là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, khi xây dựng Dự thảo, Bộ luôn chủ trương là làm sao không tăng mức phạt đối với đa số các hành vi vi phạm, và cố gắng xử lý những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT. Như vậy, những hành vi gây mất an toàn giao thông như là lạng lách, đánh võng hay là uống rượu bia khi điều khiển phương tiện… thì phải xử lý nghiêm. Điều này sẽ được tất cả người dân và các cơ quan đồng tình ủng hộ. Tin tưởng rằng nếu xử lý tốt vấn đề này thì tai nạn giao thông sẽ được kéo giảm.
Xin cảm ơn ông!