Chòng chành... đò ngang

09:27, 15/08/2013

Trên địa bàn huyện Phổ Yên hiện có 8 bến đò ngang bắc qua sông Cầu và sông Công. Trung bình, mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người qua lại trên các bến đò. Tuy nhiên, hoạt động của một số bến đò chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là vào mùa mưa bão.

Có mặt tại bến đò Chã, xã Đông Cao, chúng tôi thấy có nhiều người dân ở dọc 2 bên bờ sông đang đợi mặc dù nước sông Cầu đang ở mức cao. Khi đò cập bờ, hành khách thường chú ý đến việc bảo quản đồ đạc của mình chứ không ai chú ý tới việc cần phải mặc áo phao. Anh Lê Thế Phong, người xóm Việt Lâm, xã Đông Cao nói: Nhà ngoại tôi ở xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), ở bên bờ sông Cầu nên thường có công việc phải đi qua đò. Ban đầu, khi mới đi đò, tôi cũng rất lo lắng nhưng đi lại nhiều lần nên giờ không cảm thấy sợ nữa. Áo phao thì tôi chẳng mặc bao giờ vì rất vướng víu và bất tiện. Bà Nguyễn Thị Hương, chủ đò cho biết: Tôi làm nghề chở đò đã gần 40 năm. Hằng ngày, tôi bắt đầu công việc từ 5h sáng đến 19h tối. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 200-300 lượt khách qua sông. Đò của tôi được phép chở tối đa 12 người nên tôi cũng không dám chở thêm. Hành khách ít người sử dụng áo phao nên áo phao vẫn để một chỗ, chẳng mấy khi dùng đến.
 


Tìm hiểu thêm về vấn đề an toàn giao thông đường thủy tại nhiều bến đò khác trên địa bàn huyện chúng tôi cũng thấy tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Cụ thể, tại bến đò Thù Lâm, xã Tiên Phong, người dân đã tự ý ghép 7 đò thành 1 cầu phao để qua lại. Còn tại các bến đò: Nguyễn Hậu, Thù Lâm, xã Tiên Phong; Bến Cả, Bến Lợi, xã Tân Phú, chúng tôi đều thấy thiếu biển thông báo bến đò, biển nội quy bến, thiếu mái chèo, xích neo và phao cứu sinh. Có những chủ đò mặc dù đã trang bị dụng cụ cứu sinh nhưng lại cất ở những nơi không mấy thuận lợi cho người đi đò khi có sự cố xảy ra. Quan sát các chuyến đò qua sông, chúng tôi thấy hầu hết cả chủ đò và hành khách đều mặc áo phao; một số chủ đò còn chở khách vượt quá số người quy định...
 


Trước thực trạng mất an toàn giao thông trên các tuyến đò ngang, tháng 5/2013, UBND huyện Phổ Yên đã phối hợp với Trạm Quản lý đường thủy nội địa Đa Phúc thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các đò ngang chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định trong lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt là việc trang bị phương tiện cứu sinh để đảm bảo an toàn khi gặp tình huống nguy hiểm. Để khắc phục tình trạng nêu trên, đoàn kiểm tra đã yêu cầu UBND các xã phải quản lý chặt chẽ các bến đò và chỉ đạo các chủ đò có biện pháp xử lý ngay những tồn tại; cụ thể, yêu cầu các bến đò phải trang bị đầy đủ: Nội quy, biển thông báo và các thiết bị an toàn mới được đưa vào hoạt động, trường hợp đò nào không chấp hành các yêu cầu theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, UBND xã có trách nhiệm kiểm tra và xử lý, cần thiết có thể đình chỉ hoạt động để đảm bảo an toàn cho giao thông cho người và phương tiện qua sông.
 


Đồng chí Đinh Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Về hoạt động của bến đò Chã, hiện nay chủ đò còn thiếu giấy đăng kiểm do đã hết hạn nhưng chưa đăng kiểm lại được. Chúng tôi cũng đã đôn đốc chủ đò nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho hành khách qua sông, chính quyền địa phương cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của bến đò; yêu cầu chủ đò không được chở đò vào những hôm nước to, gió lớn, không được chở vào buổi tối; nhắc nhở chủ đò và hành khách qua sông mặc áo phao để tránh hậu quả đáng tiếc.



Hiện đang trong mùa mưa bão, cũng là thời điểm các em học sinh chuẩn bị đến ngày tựu trường, nhu cầu đi lại qua đò ngang là rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ phương tiện cũng như hành khách qua sông chấp hành nghiêm túc các quy định về Luật Giao thông đường thủy nội địa.