Đề xuất miễn đăng ký cho phương tiện nhỏ

09:32, 15/08/2013

Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông Đường thủy nội địa cần khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý, những điểm chưa phù hợp với thực tế qua hơn 7 năm thực hiện.  

Luật có nhưng khó thực hiện

 

Luật Giao thông Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) 2004 quy định loại phương tiện dưới 15 tấn khi tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật và phải đăng ký. Tuy nhiên, qua hơn 7 năm thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ, số phương tiện đến đăng ký ở các địa phương đều dưới 40%, thậm chí có nơi chỉ đạt trên dưới 10%.

 

Đầu tháng 8 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm 3 Cục: ĐTNĐ, Đăng kiểm VN và Cảnh sát Đường thủy kiểm tra thực tế tại các tỉnh ĐBSCL đã báo cáo số liệu đáng báo động. Như Tiền Giang mới chỉ có 12.760 phương tiện đi đăng ký, đạt 27,40%; TP Cần Thơ có 5.365 phương tiện, đạt 20,71%; An Giang có 8.185 phương tiện, đạt 36,95%; Đồng Tháp có 10.657 phương tiện, đạt 17,20%.

 

Lý giải điều này, ông Phạm Khương - Trưởng Ban Thanh tra giao thông ĐTNĐ phía Nam cho rằng vì chủ yếu là phương tiện gia dụng nên người dân ngại đi đăng ký. Hơn thế, không phải ai cũng chứng minh được nguồn gốc phương tiện, đóng mới theo mẫu dân gian, máy gắn tận dụng từ động cơ đã hỏng đem về sửa chữa. Đa số những người sử dụng phương tiện này là dân nghèo, nên phí đăng ký, đăng kiểm phương tiện và thời gian làm thủ tục cũng là một rào cản khiến người dân không mang phương tiện đến đăng ký theo quy định.

 

Còn nhiều vùng trắng

 

Theo lãnh đạo Cục ĐTNĐ, hiện cả nước có hơn 80.500km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động vận tải, nhưng mới quản lý được hơn 19.000km. Lý do bởi nhiều dòng sông, con rạch không có năng lực cũng như nhu cầu về vận tải, mà chúng chỉ thực sự thành sông khi mùa lũ về, mùa nước lên. Đây là những “vùng trắng” rất khó quản lý. Đặc biệt, người dân dùng phương tiện thủy gia dụng không đăng ký, đăng kiểm đi lại với tần suất lớn. Loại phương tiện này có sức chở dưới 12 người, công suất máy dưới 5 CV rất thông dụng tại ĐBSCL. Thậm chí, có khi nó được dùng để chở cả chục người, không áo phao, không phao cứu sinh. Nếu xảy ra va chạm, lật đò, ghe thì tỷ lệ tử vong rất cao.

 

Áp niên hạn cho phương tiện thủy

 

Trao đổi với PV, bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung sẽ khắc phục những bất cập trong thời gian qua nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

 

Cơ quan soạn thảo đã đề nghị miễn đăng ký đối với phương tiện có trọng tải toàn phần dưới 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính dưới 5 sức ngựa, có sức chở dưới 5 người hoặc bè, mảng. Tuy nhiên, loại phương tiện này sẽ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn theo quy định do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành. Một điểm mới của dự thảo là “trao quyền” cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện; quy định và tổ chức thực hiện thống nhất việc đăng kiểm phương tiện trong phạm vi cả nước.

 

Cũng theo cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật Giao thông ĐTNĐ sửa đổi còn bổ sung quy định cứu nạn cứu hộ giao thông đường thuỷ khi có TNGT xảy ra cần phải huy động lực lượng ứng cứu; đồng thời bổ sung việc giao Chính phủ quy định niên hạn phương tiện để đảm bảo an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.