Đường kênh – mối nguy hiểm hiện hữu

15:11, 06/08/2013

Xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) nằm ven hồ Núi Cốc. Xuyên từ đầu đến cuối xã là kênh tưới tiêu dẫn nước từ hồ. Sát bờ kênh là con đường trục của xã có chiều dài trên 5km với lượng người lưu thông khá lớn. Đây là đoạn đường chứa nhiều nguy cơ mất an toàn từ nhiều năm nay.

Chúng tôi điều khiển xe máy chạy theo trục đường chính để đến trụ sở UBND xã Phúc Trìu vào 1 ngày mưa. Nền đường tuy đã được rải bên tông (từ năm 2008) nhưng trên một số chỗ đã xuất hiện ổ gà nhỏ. Đường không có lề mà liền sát là bờ kênh dốc tuột xuống như bờ vực có độ cao từ 5 đến 6m, có đoạn cao trên 20m… Đáng ngại hơn là suốt dọc trục đường này không có lấy 1m rào chắn hay biển báo nguy hiểm nào. Mặc dù đã đi rất nhiều đường mòn có địa hình khúc khuỷu, quanh co nhưng khi chạy xe trên đoạn đường này chúng tôi luôn có cảm giác bất an. Nỗi lo gặp ô tô chạy ngược chiều luôn thường trực bởi mặt đường bê tông chỉ rộng khoảng 3m, có đoạn đường khá trơn, chỉ cần một chút sơ xẩy thì cả người lẫn xe có thể lao thẳng xuống kênh ăm ắp nước.

 

 

Ông Trịnh Văn Xuyên, Chủ tịch xã Phúc Trìu thừa nhận: Đây là đường trục của xã, bắt đầu từ xóm Phúc Thuần - chân đập hồ Núi Cốc đến xóm Đồng Nội, nhiều đoạn đã trở thành điểm đen giao thông vì quá nguy hiểm. Năm nào cũng xảy ra vài 3 vụ người điều khiển phương tiện giao thông lao thẳng xuống kênh, một số người đã phải bỏ mạng.

 

Lật giở những trang hồ sơ lưu, anh Lê Khương Duy, Trưởng Công an xã cho biết: Vụ tai nạn dẫn đến chết người gần đây là trường hợp của ông Đào Văn Hùng ở xóm Phúc Tiến. Hôm đó là ngày 14/1/2013 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán). Ông Hùng bị rơi cả người lẫn xe xuống kênh, đến khi xác nổi cách đó 500m mọi người mới phát hiện. Trước đó, ngày 9/6/2011, cháu Lưu Thị Phương Thảo (sinh năm 1995) ở xóm Hồng Phúc đi xe đạp qua đoạn xóm Cây De thì bánh xe sập xuống ổ gà, mất lái rồi lao xuống kênh. Xác nạn nhân trôi cách chỗ gặp nạn tới 1km…

 

Để hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm rình rập trên đường này, chúng tôi tiếp tục thị sát một số “điểm đen” như: đoạn từ xóm Lai Thành sang xóm Đồng Nội; đoạn giáp cầu Quán 300 (cửa ngõ vào xã, đi từ xã Quyết Thắng); đoạn xóm Nhà Thờ… Thực tế cho thấy, đây là những đoạn cua, có độ dốc, không có lề đường trong khi bờ kênh rất cao tạo nên vực sâu thẳm…

 

Đến xóm Nhà Thờ, chúng tôi gặp ông Đinh Xuân Vương, một người đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn rơi kênh trên địa bàn. Ông kể lại: Đoạn trước cổng nhà tôi đã có nhiều người bị lao cả xe và người xuống kênh. Con trai tôi tên Đinh Văn Quỳnh cũng đã từng bị rơi cả người và xe xuống kênh, may mà con tôi lại biết bơi nên chỉ bị xây xát nhẹ. Vào cuối năm 2012, đoạn này đã xảy ra vụ va quệt giữa 2 xe máy và 1 xe đạp đi cùng chiều. Hậu quả, 1 xe máy và 1 người bị rơi xuống kênh, 1 phụ nữ đi xe đạp tuy không bị lao xuống dòng nước nhưng phải đi bệnh viện cấp cứu. Cách đây không lâu, ông Trần Văn Quỳnh (xóm Đồng Nội) cũng vô ý lao cả xe lẫn người xuống giữa kênh, tuy may mắn không bị thương nhưng ông phải dắt xe nửa cây số theo lòng kênh mới tìm được chỗ lên… Có lẽ không ai ở Phúc Trìu có thể nhớ nổi đã có bao nhiêu người chẳng may bị rơi xuống dòng kênh trên địa bàn xã.

 

Đặc biệt, đoạn đường qua xóm Nhà Thờ độ cao từ đường xuống đến lòng kênh ước chừng trên 20m. Có chỗ, các phương tiện giao thông chỉ cần lệch bánh xe ra khỏi đường bê tông thì đã lập tức tiếp cận với bờ vực. Chưa kể, đoạn này còn cắt ngang 1 con ngõ chạy qua cổng nhà ông Vương có độ dốc khá cao. Theo ông Vương thì trước đây, ít nhất ông đã chứng kiến 2 người đi xe máy và 1 chiếc xe công nông đầu ngang lao thẳng từ ngõ xuống dòng kênh. Rất may sự việc xảy ra vào những ngày kênh có mực nước cao, họ lại biết bơi nên không ai bị tử nạn.

 

Ở Phúc Trìu, nguy hiểm không chỉ hiện hữu, rình rập trên đường trục ven kênh như đã nói ở trên mà còn thấy rõ trên những cây cầu vắt ngang kênh. Hiện nay, trên địa bàn xã có 6 cây cầu bê tông dân sinh bắc qua kênh nhưng có 5 cầu không có lan can. Mặt cầu hẹp, không đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau. Có mố cầu rất cao, chạm gầm xe máy, lên xuống rất khó khăn, nguy hiểm. Theo anh Duy và một số người dân trong xã cho biết thì không ít người (phần lớn là phụ nữ, học sinh) đã bị rơi xuống dưới kênh khi đi qua những câu cầy này.

 

Theo Chủ tịch xã Trịnh Văn Xuyên thì xã đã nhiều lần đề nghị lên UBND thành phố Thái Nguyên xin cấp kinh phí hoặc được đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông của xã nhưng chưa được chấp nhận. Mãi đến năm 2013, xã mới được đồng ý cho sửa chữa lại cây cầu thép qua xóm Đồng Nội với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Công trình được khởi công từ ngày 17/7 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới. Được biết, đây là cây cầu huyết mạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân các xã Phúc Trìu, Quyết Thắng, Phúc Xuân, Tân Cương bởi chợ Phúc Trìu (chợ cụm xã) nằm ngay đầu cầu Đồng Nội. Tuy nhiên, trên địa bàn xã lại xuất hiện một đoạn đường qua xóm Phúc Thuần bị đào bới dang dở tới ½ diện tích và sâu tới vài mét. Công trình tồn lại từ Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất năm 2011, hiện chỉ được rào tạm bằng vài thanh gỗ đã mục không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây cản trở giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn, không biết đến bao giờ mới được khắc phục.

 

Từ những thực trạng trên cho thấy, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông ở Phúc Trìu đang rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng. Điều cần thiết trước mắt là cần xây dựng hệ thống rào chắn ngăn đường với “vực” kênh, dựng biển báo nguy hiểm ở một số điểm “đen” giao thông cũng như làm lan can cho các cây cầu dân sinh. Đây cũng chính là nguyện vọng tha thiết của chính quyền và nhân dân nơi đây.