Mối nguy hiểm từ những chiếc xe “đầu dọc”

10:01, 03/08/2013

Hiện nay ở các vùng nông thôn Định Hóa, những chiếc công nông kéo rơ-moóc (còn gọi là xe “đầu dọc”) được người dân sử dụng khá phổ biến. Đây là phương tiện vận chuyển hàng hóa cơ động và hiệu quả, nhất là ở các tuyến đường nhỏ liên xóm, liên xã. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đầu dọc không tuân thủ các quy định an toàn đã gây không ít nguy hiển cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác.

Hiện nay ở các vùng nông thôn Định Hóa, những chiếc công nông kéo rơ-moóc (còn gọi là xe “đầu dọc”) được người dân sử dụng khá phổ biến. Đây là phương tiện vận chuyển hàng hóa cơ động và hiệu quả, nhất là ở các tuyến đường nhỏ liên xóm, liên xã. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đầu dọc không tuân thủ các quy định an toàn đã gây không ít nguy hiển cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác.

 

 

Theo con số của Công an huyện Định Hóa, trong 3 năm trở lại đây, đã có 3 trường hợp tử vong do tai nạn liên quan đến xe đầu dọc; số vụ va chạm dẫn đến người bị thương tích là trên gần 40. Gần đây nhất, vào tháng 11/2012, anh Ma Văn Thành, trú tại xóm Làng Hà, xã Trung Hội điều khiển xe đầu dọc trên tuyến đường liên xã Trung Lương - Định Biên đã đâm trực diện vào xe máy BKS 24P3-0352 do anh Ma Khánh Hiếu, xóm Nà To, xã Định Biên điều khiển. Hậu quả, anh Hiếu bị thương nặng phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa và đã tử vong sau đó 2 ngày. Nguyên nhân vụ tai nạn do anh Ma Khánh Thành không có giấy phép lái xe theo quy định, trời tối nhưng lại không có đèn chiếu sáng và điều khiển xe đầu dọc lấn phần đường của xe chạy ngược chiều. Ngày 18/6/2013, Tòa án Nhân dân huyện Định Hóa đã tổ chức xét xử và tuyên phạt Ma Văn Thành 36 tháng tù (cho hưởng án treo) và buộc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân 38 triệu đồng bởi tội danh “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Bộ luật Hình sự. Chị Đặng Thị Nguyệt, vợ anh Hiếu ngậm ngùi: “Chồng mất khi con gái chưa đầy 3 tuổi, một mình tôi chẳng biết phải xoay sở ra sao. Người không còn, tiền đền bù thế, chứ nhiều nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

 

Trước đó, vào tháng 10/2012, tại xã Phú Tiến cũng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm liên quan do xe đầu dọc. Anh Lưu Văn Tòng, sinh năm 1992, nhà ở xóm 4, xã Phú Tiến điều khiển xe đầu dọc lưu thông trên tỉnh lộ 268 đến khu vực trạm y tế thì bị mất lái lao vào ta-luy ven đường. Toàn bộ số gỗ trên xe đổ xuống và đè lên người điều khiển. Do vết thương quá nặng nên anh Tòng đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Phú Tiến cho biết: Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã đã có gần chục vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đầu dọc. Phần lớn các trường hợp tai nạn là do chủ phương tiện cơi nới, chở cồng kềnh và quá  tải trọng cho phép. Trong khi đó, xe đầu dọc lại không có đèn chiếu sáng, không có còi báo hiệu, hệ thống phanh cũng không đảm bảo nên khi có tình huống bất ngờ thì không kịp xử lý.

 

Đi theo Tỉnh lộ 268 từ xã Phú Tiến đến thị trấn Chợ Chu, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc xe đầu dọc lưu thông trên đường. Tất cả đều được cơi nới thùng phía sau rộng hơn thiết kế ban đầu để có thể chở được nhiều hàng hóa. Có xe chở gỗ trên thùng với độ cao tới gần 3m, cây gỗ dài tràn cả qua phía trên đầu của người lái. Việc chằng buộc lại hết sức tạm bợ, chỉ cần đến đoạn dốc lớn hoặc đường xóc là xe có thể lật hoặc đứt dây buộc khiến gỗ đổ xuống đường bất cứ lúc nào. Có xe chở phông bạt đám cưới, người đi cùng ngồi vắt vẻo phía sau. Ông Lộc Văn Thơm, xóm Hoàng Hanh, xã Trung Hội bức xúc: “Có nhiều anh rất chủ quan, dùng cả chân để điều khiển xe đầu dọc khi đi trên đường. Rồi có trường hợp rẻ phải, rẽ trái nhưng không hề có tín hiệu xin đường khiến người đi đường bất ngờ bị ngã hoặc đâm xuống rãnh để tránh”.

 

Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội huyện Định Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện có tới hơn 1 nghìn chiếc xe đầu dọc thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường liên xã, đường tỉnh lộ. Theo quy định, những người điều khiển xe đầu dọc phải có giấy phép lái xe, xe phải có đăng ký, nhưng thực tế hầu hết những chủ xe đều chưa chấp hành quy định này. Hiện cũng chưa có chế tài cụ thể xử phạt những trường hợp lái xe đầu dọc vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, số ít xử phạt hành chính đối với những chủ xe chở cồng kềnh, quá trọng tải hoặc khi xảy ra va chạm với các phương tiện khác.

 

Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ có đề cập đến việc hạn chế phạm vi lưu thông với xe đầu dọc. Việc hạn chế này do UBND các tỉnh quy định cho phù hợp với địa phương. Thiết nghĩ, tỉnh ta cũng cần sớm có quy định cụ thể về phạm vi được lưu thông của xe đầu dọc, cùng với đó là quy định điều kiện để được phép điều khiển, cũng như chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những vi phạm của xe đầu dọc để từng bước hạn chế những mối nguy hiểm của phương tiện này mang lại khi tham gia giao thông.