Nhiều ẩn họa với tàu cánh ngầm

08:49, 08/08/2013

Sau vụ tai nạn lật ca nô tại Cần Giờ khiến 9 người tử vong, Bộ GTVT yêu cầu rà soát thực trạng hoạt động của tàu cao tốc chở khách, khắc phục ngay các mối đe dọa tiềm ẩn an toàn chạy tàu.  

Mối nguy chết máy giữa dòng

 

Thực tế, hoạt động của tàu cánh ngầm chở khách lâu nay đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ông Vũ Ngọc Thảo - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết. Theo ông Thảo, chuyện tàu chết máy ngay trên sông, biển diễn ra khá phổ biến. Đội tàu cánh ngầm đang hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh hầu hết được mua về VN 20 năm nay, rất hay hỏng hóc. Hơn nữa, chúng lại hoạt động trên tuyến có nhiều đoạn cửa biển, gặp sóng to là tàu nhỏ không chịu được áp lực. “Chúng tôi đã từng gửi 5 văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền không cho phép tàu 1 máy hoạt động trên tuyến hoặc ngưng cấp phép chạy trong mùa mưa, nhưng chưa có kết quả”- ông Thảo nói.

 

Đề cập vấn đề này, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trịnh Ngọc Giao cho biết, ngoài việc nghiên cứu áp niên hạn và điều kiện kỹ thuật chặt chẽ hơn với loại tàu chở khách cao tốc, thì việc đảm bảo luồng lạch cũng hết sức quan trọng. Khác với hạ tầng giao thông thủy của nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, nhất là với đường thủy nội địa, môi trường không đảm bảo khiến riêng việc chân vịt của tàu quấn vào rác to (cây cối, bao bố...) trên sông cũng đã có thể là nguyên nhân gây tai nạn, ông Giao phân tích. Do vậy, nếu khảo sát lại hạ tầng giao thông đường thủy nhằm xác định độ rộng, độ sâu luồng, lạch, từ đó quy định vùng hoạt động, và có giải pháp đảm bảo cho tàu khai thác, sẽ hạn chế được rất nhiều những TNGT đường thủy đáng tiếc xảy ra.

 

Đề xuất lắp ra đa

 

Đề xuất một giải pháp khác, ông Lê Văn Chiến – Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu lại cho rằng: Luồng tuyến cho tàu cánh ngầm từ TP Hồ Chí Minh về Vũng Tàu hiện nay đã được trang bị hệ thống phao tiêu báo hiệu đầy đủ. Việc tàu hay bị chết máy giữa dòng là do vướng vào các chướng ngại vật như lục bình, rác ở đoạn trong sông Sài Gòn, còn khi ra biển thì không vấn đề gì.

 

Giải pháp làm sạch luồng bằng cách vớt lục bình là không khả thi. Chỉ còn cách  trang bị hệ thống ra-đa cho tàu cánh ngầm. Ông Chiến nói, đã đề nghị các DN lắp từ lâu, nhưng các chủ tàu bảo do Đăng kiểm không bắt buộc nên họ không thực hiện. Cũng theo ông Chiến, ra-đa sẽ phát hiện những chướng ngại vật phía trước như: Lục bình, phao tiêu, đáy cá… để báo hiệu cho thuyền trưởng biết mà tránh. Hiện nay, những tàu cánh ngầm này cũng đã được trang bị hệ thống GPS để định vị, hệ thống thông tin liên lạc với hai đầu bến. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ phát huy tác dụng khi tàu đã gặp nạn, để cầu cứu nạn, chứ không hạn chế được tai nạn xảy ra.

 

Ông Chiến kể: “Nhiều lần tôi đi trên tàu này thấy rất nguy hiểm. Đặc biệt vào thời điểm trời mưa, sương mù, tầm nhìn bị hạn chế. Thậm chí, thuyền trưởng quan sát không kịp có thể sẽ đâm va ngay vào những phao tiêu báo hiệu trên luồng”.

 

 Tại cuộc họp về thực trạng quản lý và hoạt động tàu khách mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu quy định về niên hạn tàu; giao Vụ Kết cấu hạ tầng khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các phương án đảm bảo hạ tầng giao thông thủy. Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì phối hợp với UBND TP HCM, TP Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác có hoạt động vận tải khách bằng tàu thủy cao tốc tổ chức họp bàn, sớm đưa ra phương án đảm bảo an toàn cao nhất.