Nỗi lo giao thông trong mùa mưa lũ

10:23, 06/08/2013

An toàn giao thông mùa mưa lũ trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai lâu nay vẫn luôn là vấn đề “nóng”. Hình ảnh người dân băng qua sông, suối khi có lũ bằng những phương tiện đường thủy thô sơ, lại không mặc áo phao và dường như họ đang phó mặc tính mạng của mình cho sự rủi may…

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long: “Chúng tôi rất mong sớm được đầu tư xây dựng các tràn liên hợp và cầu treo dân sinh tại những vị trí cần thiết, đồng thời đề nghị huyện cấp thêm áo phao (cả xã mới chỉ có 5 chiếc) để trang bị cho người dân mỗi khi qua sông, suối bằng thuyền, bè mảng”.

 

 

Giữa buổi trưa hè yên ả ở một xóm miền núi Bình An (Bình Long, Võ Nhai), những tiếng kêu thất thanh vang lên: Có người chết đuối ở suối rồi! Vụ việc đau lòng đã xảy ra cách đó 4 ngày, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Huy Hiệp, Trưởng xóm Bình An, có nhà gần nơi xảy ra vụ tai nạn và cũng là người biết thông tin sớm nhất, vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: Tôi nghe có người kêu nhưng không thành tiếng rõ ràng, linh tính có chuyện chẳng lành nên vội chạy ra suối và lập tức hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh Luân Thanh Tình là người may mắn thoát nạn do bơi được vào bờ, đang hoảng loạn và hô hoán có người bạn bị nước cuốn. Tôi gọi thêm 2 người nữa và lao xuống suối tìm vớt nạn nhân nhưng không kịp!

 

 

Vụ tai nạn đuối nước này xảy ra vào khoảng 13 giờ, ngày 26/7, tại suối Bình An (một nhánh của sông Dong) đoạn chảy qua xóm Bình An, làm một người chết. Nạn nhân thiệt mạng là anh Nguyễn Đức Cư, sinh năm 1981, thường trú tại huyện Đồng Hỷ, là công nhân của Điện lực Võ Nhai. Sáng 26/7, anh Nguyễn Đức Cư và anh Luân Thanh Tình (cũng là công nhân ngành Điện) nhận nhiệm vụ đến kiểm tra lưới điện tại khu dân cư Đồng Giục (Bình An). Do lũ đang cao nên các anh phải gửi xe máy và tự kéo thuyền để qua suối. Tai nạn xảy ra khi chiếc dây thép căng ngang suối để mọi người bám tay vào đó kéo thuyền bất ngờ bị đứt, thuyền lật và bị trôi. Xác anh Nguyễn Đức Cư được tìm thấy một ngày sau đó, cách vị trí bị nạn vài chục mét, sau nhiều nỗ lực của lực lượng chức năng và người dân địa phương. Đây đã là người thứ 4 bị chết đuối trên đoạn suối này.

 

Xóm Bình An bị cắt làm đôi bởi dòng suối cùng tên. 23 hộ dân của xóm ở bờ bên kia - khu Đồng Giục (cùng với gần 10 hộ thuộc xóm Trại Rẽo) muốn ra trung tâm xã phải qua dòng suối này. Chưa có cầu, bà con đã đóng góp công, của để xây dựng một đập tràn (rộng khoảng 1,2 mét) làm đường qua suối. Nhưng mùa lũ thì đập thường xuyên bị ngập. Mùa mưa năm trước, các hộ dân trong xóm đã đóng góp tiền mua một chiếc thuyền tôn, căng dây qua suối để ai có nhu cầu thì tự kéo qua, không ít hộ dân còn tự sắm đò nhỏ để qua suối. Chị Vũ Thị Tắm ở xóm Trại Rẽo, là người thường xuyên phải qua suối bằng đò, nói: Dù biết rủi ro có thể xảy ra nhưng chúng tôi không có cách nào khác.

 

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Ngoài khu vực trên, xã còn không ít điểm dân cư bị chia cắt trong mùa lũ do chưa có cầu, như cụm dân cư xóm Đèo Ngà, xóm Nà Sọc và 5 xóm vùng Quảng Phúc (còn gọi là khu Bình Long 2). Mùa lũ, người dân vẫn hay dùng thuyền hoặc mảng để qua sông, suối. Xã không thể cấm mà chỉ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở bà con tự nâng cao cảnh giá, đảm bảo an toàn cho chính mình.

 

Ngày 30/7, có mặt tại đoạn suối nơi vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm, chúng tôi thấy người dân đã chuyển bến đò cách vị trí cũ vài chục mét, sắm dây mới để căng ngang qua suối. Nước lũ hôm đó lớn hơn ngày anh Nguyễn Đức Cư gặp nạn. Con suối nhỏ giờ như một dòng sông lớn cuồn cuộn chảy, chính con thuyền đã từng bị lật dẫn đến chết người vài hôm trước lại tiếp tục sứ mệnh của mình. Những người đi thuyền đều không mặc áo phao. Dưới đáy con thuyền có một lỗ thủng, nước liên tục rỉ vào…

 

Không riêng gì xã Bình Long mà trên địa bàn huyện Võ Nhai còn rất nhiều điểm có suối cắt qua đường, trong khi chưa có cầu thì người dân tự khắc phục bằng cách dùng bè mảng hoặc thuyền để đi qua mỗi khi có lũ. Ví dụ như ở xã Cúc Đường, đoạn đường chỉ có chiều dài hơn 2 km (thuộc tuyến đường từ Cúc Đường đi Thần Sa), qua địa phận xóm Tân Sơn đã có 3 con suối lớn cắt qua. Mùa lũ thường có người làm dịch vụ chở mảng qua suối và cũng đã từng xảy ra vụ cả người và xe máy bị trôi, dù chưa dẫn đến chết người. Ông Ma Văn Hàm, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Xã không chính thức cho phép nhưng cũng không thể cấm được hình thức này do nhu cầu đi lại của nhân dân. Ngoài công tác tuyên truyền, khi có lũ lớn, xã cử lực lượng tuần tra, canh gác tại những khu vực có nguy cơ cao, quán triệt mọi người không được qua suối.

 

Những năm gần đây, huyện vùng cao Võ Nhai đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng nhiều nguồn vốn. Nhưng với đặc thù địa hình bị chia cắt mạnh bởi sông, suối, núi cao nên nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Nhiều dòng suối chưa có cầu bắc qua nên vào mùa lũ vẫn là thách thức lớn đối với người dân khi có nhu cầu phải đi lại. Trong khi chờ những cây cầu thì mỗi người dân rất cần nâng cao ý thức, tự đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, quán triệt và có thêm biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.