Bảo đảm an toàn sinh mạng con người trên biển

10:22, 07/09/2013

Việt Nam đang tích cực tham gia và thực hiện các công ước quốc tế về đảm bảo an toàn, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đồng thời nỗ lực nâng cao năng lực, khả năng phối kết hợp, ứng cứu kịp thời khi có sự cố nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.  

Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro khi đi biển

 

Năm 1914, Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển được ra đời và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1929 và 1948. Tiếp đó Công ước SOLAS 1960 là một thành tựu quan trọng đầu tiên của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) sau ngày thành lập, Công ước này là một bước đột phá trong việc hiện đại hóa các quy định và kịp thời phản ánh sự phát triển của khoa học, công nghệ được áp dụng trong ngành Hàng hải.

 

Ngày 1/11/1974 một Công ước hoàn toàn mới đã được thông qua (SOLAS 74). Không những cập nhật được các thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ, mà còn bao quát những vấn đề quan trọng của Công ước quốc tế về sự an toàn của tàu buôn. SOLAS 74 còn đưa ra những thủ tục bổ sung, sửa đổi hoàn toàn mới nhằm mục đích đảm bảo rằng sẽ được chấp nhận, thực thi trong một khoảng thời gian nhất định.

 

Công ước SOLAS 74 có hiệu lực vào ngày 25/5/1980 và tính đến ngày 31/2/1996 đã được 132 quốc gia phê chuẩn. Tại thời điểm thông qua, SOLAS 74 chỉ bao gồm các Điều khoản và 9 chương, các điều khoản nêu ra các quy định chung về các thủ tục ký kết, phê chuẩn, chấp nhận, thông qua, tán thành, hiệu lực... hủy bỏ, bổ sung sửa đổi Công ước. Các chương đưa ra các tiêu chuẩn đối với kết cấu, trang thiết bị và khai thác tàu để đảm bảo an toàn. Theo sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, cũng như các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động của ngành Hàng hải, các yêu cầu kỹ thuật của Công ước đã được bổ sung và sửa đổi liên tục.

 

Cho đến nay, Công ước SOLAS 74 đã tăng lên 14 chương. Với một ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển, các quốc gia, các chủ tàu cũng như người đi biển đã, đang và sẽ cùng nhau hành động để phòng ngừa, giảm thiếu rủi ro cho các hoạt động trên biển. Do đó, đã góp phần to lớn trong việc hạn chế bớt những thiệt hại về người và của, góp phần bảo vệ môi trường biển.

 

Năm 1988, các nước thành viên của IMO, trong đó có Việt Nam đã thông qua một hệ thống thông tin được sửa đổi và bổ sung Công ước SOLAS 74, được gọi là SOLAS 74/88, với hệ thống cấp cứu và An toàn hàng hải toàn cầu có hiệu lực đầy đủ vào 1/2/1999.

 

Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn

 

Thực hiện Công ước quốc tế về Tìm kiếm cứu cứu nạn Hàng hải 1979 (SAR79), ngày 15/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 06/2009/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước SAR 79 với mục đích thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên nhằm phát triển và tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn thông qua việc thiết lập một kế hoạch chung để tổ chức kịp thời hoạt động tìm kiếm, cứu nạn những người lâm nạn trên biển; thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức và lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

 

Mục tiêu của Công ước là phát triển một kế hoạch tìm kiếm cứu nạn quốc tế để khi có bất cứ tai nạn nào xảy ra thì việc cứu giúp người bị nguy cấp trên biển sẽ được tiến hành bằng một Tổ chức tìm kiếm cứu nạn quốc gia và khi cần thiết thì có sự phối hợp giữa các vùng tìm kiếm cứu nạn láng giềng. Các thành viên của Công ước được yêu cầu đảm bảo đáp ứng một cách thỏa đáng với các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước ven bờ của mình. Được khuyến khích tham gia các thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợi trang thiết bị, thiết lập các quy trình chung, huấn luyện và thăm viếng trao đổi thông tin. Các thành viên phải áp dụng các biện pháp để giải quyết việc xâm nhập vào lãnh hải của mình thuộc hệ thống cứu nạn bởi các thành viên khác. Công ước tiếp tục áp dụng các biện pháp chuẩn bị, bao gồm việc thiết lập các trung tâm và tiểu trung tâm phối hợp cứu nạn.

 

Qua gần 4 năm thực hiện Kế hoạch này, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động chung của các nước thành viên cũng như ngày một nâng cao năng lực, khả năng phối kết hợp giữa các lực lượng trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Hàng năm, các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải cùng với lực lượng chức năng đã tham gia ứng cứu, cứu hộ ngư dân, thủy thủ bị nạn trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, qua đó nâng cao khả năng ứng cứu, phối hợp giữa các lực lượng khi tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.