Sáng 18/9, Trung tâm quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông T.P Đà Nẵng phối hợp tổ chức triển khai giai đoạn 2 (2013-2015) Dự án "Sáng kiến cải thiện tình trạng lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện" ra toàn địa bàn.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ các sáng kiến nhằm cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện thuộc chương trình "Hành động toàn cầu phòng chống tác hại của chất có cồn" tại Việt Nam. Mục tiêu của sáng kiến là xây dựng những chương trình bền vững, nhằm giảm tình trạng uống rượu bia điều khiển phương tiện ở Đà Nẵng, thông qua việc huy động nhiều nguồn lực và hợp tác với nhiều đối tác có cùng mối quan tâm để triển khai Dự án.
T.P Đà Nẵng cam kết mở rộng hoạt động ở toàn bộ 7 quận, huyện trên địa bàn. Chương trình tiếp nối sau thành công của giai đoạn 1 (2010-2012) đã triển khai thí điểm tại quận Hải Châu và huyện Hòa Vang, tập trung vào đối tượng thanh niên và lái xe chuyên nghiệp. Đây là những đối tượng thường có nguy cơ cao về sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện giao thông.
Trong giai đoạn 2 triển khai Dự án, Đà Nẵng sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm làm giảm tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia. Theo đó, mỗi Ban ATGT quận, huyện xây dựng mô hình điểm trong công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng có nguy cơ cao do lạm dụng rượu, bia và điều khiển phương tiện. Đồng thời, đẩy mạnh cưỡng chế, huy động lực lượng, phương tiện và các thiết bị hỗ trợ, tổ chức ra quân tuần tra, kiểm soát trên địa bàn toàn Thành phố.
Trong khuôn khổ của chương trình, chiều 18/9, ICAP, Ban ATGT T.P Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo “ Uống có trách nhiệm” và “Đã uống rượu bia - Không lái xe” giao lưu với hơn 500 sinh viên Đại học Đà Nẵng, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng chất có cồn khi điều khiển giao thông trong cộng đồng thanh niên.